Những năm gần đây, giá cả các loại sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm có chiều hướng đi xuống, không ổn định, đồng thời xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả châu phi, lở mồm long móng, dịch tai xanh… nhiều hộ chăn nuôi đã phải giảm quy mô đàn vật nuôi, thậm chí bỏ trống chuồng.
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, làm cho người chăn nuôi điêu đứng. Tuy nhiên trong tình hình khó khăn đó, có những hộ chăn nuôi nhờ có hướng đi riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi heo rừng theo hướng hữu cơ của gia đình anh Phạm Văn Sáu tại thôn 2 xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đăk Nông là một điển hình.
Trang trại nuôi heo rừng của gia đình anh Sáu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của mọi người, họ tìm đến đây để mua heo giống hoặc heo thương phẩm.
Anh bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi heo rừng hữu cơ từ năm 2016, từ 5 con heo giống ban đầu nay đã nhân lên thành đàn heo gần 200 con. Thay vì sử dụng thức ăn có tỷ lệ tinh bột cao, heo nhanh lớn nhưng nhiều mỡ và chất lượng thịt kém, anh Sáu chấp nhận thời gian nuôi kéo dài gấp 1,5 lần so với heo rừng nuôi thông thường bởi anh nuôi theo hình thức hữu cơ bằng thức ăn tự nhiên.
Anh Phạm Văn Sáu đang chăm sóc đàn heo rừng thịt tại trang trại nuôi heo rừng của gia đình ở thôn 2 xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đăk Nông.
Thức ăn chính của heo gồm cỏ voi, thân cây chuối rừng là chính, ngoài ra anh còn tận dụng các loại trái cây trong vườn và sẵn có tại địa phương như bơ, mít để làm thức ăn cho heo, thức ăn bổ sung là cám ngô hoặc cám gạo chiếm khoảng 10% trong khẩu phần thức ăn hàng ngày của heo.
Hình thức nuôi heo rừng của anh là thả heo hoàn toàn ngoài vườn, đến mỗi bữa ăn và chiều tối heo mới về chuồng, khu vườn của anh rộng trên 4 ha, xung quanh anh rào lưới B40 rất chắc chắn nên anh rất yên tâm thả heo ra vườn.
Anh Sáu chia sẻ: Ước mơ của anh là thực hiện mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn sử dụng tổng hợp các nguồn lực tự nhiên tại chỗ, cây và con hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Do đó anh dùng chế phẩm sinh học nấm Trichoderma xử lý phân heo để tạo nguồn phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng có trong vườn, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chất kích thích sinh trưởng. Chính vì thế anh còn muốn đầu tư bài bản để sản phẩm mình làm ra có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Sáu cho biết thêm, việc nuôi heo rừng không khó mà ngược lại chúng còn có khả năng chống chọi với thời tiết tốt hơn các giống heo thịt mà người dân đang nuôi phổ biến tại địa phương. Vốn là động vật hoang dã ăn tạp nên anh Sáu có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như các loại rau củ, lá khoai, cây chuối, các loại quả...
Mô hình này rất phù hợp với những hộ nông dân có điều kiện khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo vì chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro. Anh Sáu cho biết thêm, trong khi nhiều hộ dân nuôi heo thịt theo hướng truyền thống trước nay khá lo lắng vì giá cả thị trường thiếu ổn định, chi phí đầu tư cao, thì gia đình anh lại an tâm hơn vì nuôi heo rừng chi phí nuôi thấp, khi bán ra thị trường dễ tiêu thụ hơn.
Lúc nào chuồng nuôi heo rừng của anh Sáu cũng có 20 con heo mẹ, cùng với đàn heo thịt từ 150 – 200 con. Mỗi năm heo mẹ sinh sản 02 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 10 heo con. Thời gian nuôi từ 8 - 10 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con khoảng 20 kg với giá bán là 120.000 đồng mỗi kg, còn đối với heo giống có giá bán là 150.000 đồng mỗi kg. Nhờ sự cần cù, chịu khó sau khi trừ các khoản chi phí bình quân thì lợi nhuận thu được mỗi năm khoảng trên 200 triệu đồng.
Chị Lương Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, thấy mô hình chăn nuôi heo rừng của anh Sáu đạt hiệu quả cao, một số hộ dân ở xã Đắk Ha đã đến học hỏi kinh nghiệm về áp dụng chăn nuôi và thành công. Đặc điểm của heo rừng vẫn còn đặc tính hoang dã nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc lại có sức đề kháng tốt, có thể nuôi nhốt như heo thuần hoặc thả tự do. Mô hình này đang được nhân rộng tại địa phương.