Dân Việt

Gần 10 năm sống khổ giữa những "núi đất" ở khu công nghiệp Cẩm Khê

Hoan Nguyễn 30/05/2023 08:50 GMT+7
Gần 100 hộ dân khu Chùa Bộ và khu Quang Trung (thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nhiều năm nay phải sống khổ giữa những "núi đất" ở khu công nghiệp Cẩm Khê.

Sống bất an giữa những "núi đất" của khu công nghiệp Cẩm Khê

Ngày 13/5/2016, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 1092/QĐ-UBND về việc thành lập Khu công nghiệp Cẩm Khê thuộc địa phận thị trấn Cẩm Khê và xã Xương Thịnh (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Cuộc sống bất an của gần 100 hộ dân bị "núi đất" Khu công nghiệp Cẩm Khê bao quanh - Ảnh 1.

Việc đổ đất làm mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cẩm Khê đang khiến gần 100 hộ dân khu Chùa Bộ và khu Quang Trung sống khổ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ngày 11/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cẩm Khê. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần Xây dựng Đức Anh.

Nhưng các hộ dân ở khu Chùa Bộ và khu Quang Trung (thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) phản ánh, từ ngày KCN Cẩm Khê thành lập đến nay cũng là những tháng năm họ sống trong cảnh khốn khổ.

Cuộc sống bất an của gần 100 hộ dân bị "núi đất" Khu công nghiệp Cẩm Khê bao quanh - Ảnh 2.

Đất đá của Khu công nghiệp Cẩm Khê xô sạt khiến việc sinh hoạt, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ông Hoàng Ngọc Định (khu Quang Trung, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết, ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì nhiều đoạn đường dân sinh ngập úng. Nhà cửa, vườn tược, đường sá, cầu cống bị núi đất khổng lồ, cao hàng chục mét của KCN Cẩm Khê bao quanh bốn bề.

"Lại sắp đến mùa mưa bão, bùn đất sẽ đổ xô, ồ ạt lấp đường, cống rãnh, người dân lại phải mò mẫm. Nếu mưa to, đường còn bị chia cắt, thương người già, trẻ nhỏ đi lại khó khăn, nguy hiểm, thậm chí học sinh phải nghỉ học" - ông Định nói.

Bà Nguyễn Thị Nhận (khu Quang Trung, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ ), gia đình bà có 7 sào ruộng bị thu hồi để làm KCN Cẩm Khê, nhận đền bù từ năm 2018. Không còn đất canh tác, mọi người trong nhà phải đi làm thuê khắp nơi. Khốn khó hơn, 4 ngôi nhà của bà và các con đang ở đều xuống cấp, chật chội, ẩm thấp nhưng không được sửa chữa do nằm trong quy hoạch xây dựng KCN Cẩm Khê.

Cuộc sống bất an của gần 100 hộ dân bị "núi đất" Khu công nghiệp Cẩm Khê bao quanh - Ảnh 3.

Mỗi khi trời đổ mưa, người dân khu Chùa Bộ phải dò dẫm tìm đường. Người già, trẻ nhỏ không dám đi ra đường. Ảnh: Hoan Nguyễn

Còn anh Hoàng Tiến Mạnh (khu Chùa Bộ, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết, nguồn nước hôi tanh, màu vàng đục, khiến người dân không thể sử dụng được. Nhiều diện tích đất vườn, sản xuất nông nghiệp của bà con không thể cấy hái, trồng trọt, chăn nuôi...

Cũng theo anh Mạnh, hiện hạ tầng khu tái định cư đang được chủ đầu tư xây dựng. Người dân thấy có vị trí làm mặt bằng không bóc bỏ lớp bùn, lu lèn qua loa, hệ thống đường giao thông, cống nước thải xây nhỏ, hẹp, không kè taluy chống sạt lở…

"Nhiều năm nay người dân liên tục có ý kiến lên các cấp thẩm quyền về cuộc sống khốn khó, mong được sớm đền bù thỏa đáng và chuyển đến nơi ở mới để an cư lạc nghiệp. Mong mỏi là vậy, nhưng chúng tôi kiến nghị việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư cũng cần phải được chủ đầu tư làm kiên cố, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình. Đồng thời, người dân cũng mong muốn được đóng góp ý kiến, giám sát cộng đồng để việc xây dựng hạ tầng tái định cư KCN Cẩm Khê đạt hiệu quả cao nhất" - anh Mạnh kiến nghị.

Khẩn trương giải quyết vướng mắc tại khu công nghiệp Cẩm Khê

Theo tìm hiểu của PV, KCN Cẩm Khê có tổng diện tích quy hoạch xây dựng là 450ha, chia làm 4 giai đoạn (năm 2017 - 2023). Tính đến nay, đã thông báo thu hồi đất 351,9ha. 

Trong đó, đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng và giao đất cho chủ đầu tư dự án là 139,5ha, diện tích đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đủ điều kiện giao đất là hơn 183ha.

Cuộc sống bất an của gần 100 hộ dân bị "núi đất" Khu công nghiệp Cẩm Khê bao quanh - Ảnh 4.

Nhiều ngôi nhà của người dân đã xuống cấp, dột nát nhưng không được sửa chữa, ruộng vườn canh tác không hiệu quả do đất đá xô sạt, ngập úng... Ảnh: Hoan Nguyễn

Trao đổi với PV Dân Việt về những bất cập trên, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê Ngô Quang Ước cho biết, do một số hạng mục chưa xác định được đơn giá bồi thường nên xảy ra vướng mắc trong việc áp giá, công khai phương án, dẫn đến chậm bồi thường và tái định cư cho các hộ dân ở khu Chùa Bộ và khu Quang Trung.

Cụ thể, một số công trình, vật kiến trúc cơi nới, tạo lập (trong đó có những công trình không phù hợp với công năng sử dụng, chủ yếu được treo, mắc, làm hàng rào sắt xung quanh nhà...) chưa có trong bảng đơn giá của tỉnh.

Cuộc sống bất an của gần 100 hộ dân bị "núi đất" Khu công nghiệp Cẩm Khê bao quanh - Ảnh 5.

"Núi đất" đồ sộ, cao hàng chục mét của Khu công nghiệp Cẩm Khê bao vây nhà cửa người dân ở khu Chùa Bộ và khu Quang Trung. Ảnh: Hoan Nguyễn

Để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bố trí tái định cư cho người dân, UBND huyện Cẩm Khê đang kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ được áp dụng đơn giá xây dựng công trình nhà ở, công trình khác gắn liền với đất theo Phụ lục số 02 tại Quyết định 756/QĐ ngày 14/4/2023.

"Đối với người dân ở khu Chùa Bộ và khu Quang Trung, UBND huyện Cẩm Khê dự kiến trong tháng 6 này sẽ tổ chức cho người dân bốc thăm tái định cư theo quy định. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ những diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác do ảnh hưởng của dự án", ông Ước khẳng định.

Cuộc sống bất an của gần 100 hộ dân bị "núi đất" Khu công nghiệp Cẩm Khê bao quanh - Ảnh 6.

Hiện nay, thực hiện xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng ở Khu công nghiệp Cẩm Khê thực hiện xen kẹt, "xôi đỗ". Ảnh: Hoan Nguyễn

Về giải pháp đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai dự án xây dựng KCN Cẩm Khê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, huyện Cẩm Khê cần phối hợp với tổ công tác của tỉnh và các sở, ngành khẩn trương rà soát lại các thủ tục hành chính, đặc biệt là trình tự, thủ tục thu hồi đất, quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, sẽ phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho người dân. Phấn đấu hoàn thành việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng diện tích 183ha còn xen kẹp, "xôi đỗ" trong KCN Cẩm Kê trước 30/6/2023, hoàn thành các khu vực còn lại trước ngày 30/11/2023.

"Với các vướng mắc liên quan đến các khu tái định cư, huyện Cẩm Khê cần phối hợp với sở, ngành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chia lô phù hợp với diện tích đất thu hồi của các hộ.  Đối với các khu tái định cư đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, cơ quan chức năng phải tổ chức cho các hộ dân bốc thăm, nhận đất tại thực địa luôn", Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.