Đất nông nghiệp bỗng bị "hô biến" thành chợ quê, chính quyền xã lúng túng trong xử lý
Đất nông nghiệp bỗng bị biến thành chợ quê, chính quyền xã lúng túng trong xử lý
Hoan Nguyễn
Thứ năm, ngày 18/05/2023 11:00 AM (GMT+7)
Khu chợ quê Hợp Nhất xây dựng kiên cố, bề thế trên đất nông nghiệp đã lâu, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ. Tuy nhiên UBND xã Hợp Nhất chưa thể xử lý dứt điểm, dù đã nhiều lần được huyện Đoan Hùng và Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ thúc giục.
Thời gian qua, người dân xã Hợp Nhất (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) xôn xao về việc một người thu mua đất, xây dựng chợ quê Hợp Nhất khang trang, bề thế trên khu đất nông nghiệp có diện tích hàng nghìn mét vuông tại khu Vân Cương 1.
Ghi nhận của PV Dân Việt vào những ngày đầu tháng 5, vị trí Chợ quê Hợp Nhất nằm ngay cạnh con đường giao thông 321I, sát đầu cầu Sông Lô; cách trụ sở UBND xã Hợp Nhất khoảng 1km.
Theo quan sát, cổng chợ được mở rộng, đóng khung sắt cao, vững chãi. Phía trong là hàng loạt ki-ốt được đổ nền bê tông, dựng khung, mái lợp tôn chắc chắn. Những ki ốt nằm ở vị trí mặt tiền của chợ đã được các tiểu thương kinh doanh thuê, sử dụng buôn bán đủ các mặt hàng từ sáng sớm đến tối muộn. Phía đất bên trái cổng chợ đã được phân ô, xây dựng công trình nhà ở, quán cafe, quán rửa xe, cửa hàng quần áo thời trang.
Anh N.V.T (một hộ kinh doanh buôn bán ở Chợ quê Hợp Nhất) cho biết: "Chợ quê Hợp Nhất đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, chủ chợ là anh Phong. Tôi làm hợp đồng thuê 3 ki ốt, vị trí sát nhau, trong thời hạn 5 năm với anh Phong. Mỗi ki ốt có diện tích 12m2, giá thuê 1 triệu đồng/ki ốt/tháng. Hằng tháng, tôi nộp tổng số tiền thuê 3 triệu đồng, ngoài ra phải nộp tiền điện 3.000 đồng/số và phí dịch vụ, tiền nước, vệ sinh chợ cho anh Phong".
Cũng theo anh N.V.T, anh chỉ biết thuê và trả tiền ki ốt hằng tháng, còn đây là loại đất gì, cơ quan nào cấp phép xây dựng, tiền tiểu thương nộp cho anh Phong sử dụng làm gì…, anh và nhiều bà con không biết.
Theo lời của người dân sống xung quanh chợ Hợp Nhất, diện tích đất xây dựng chợ quê Hợp Nhất là đất nông nghiệp trồng bưởi của một số hộ dân trong xã. Khoảng 2 năm trở lại đây, diện tích đất này được san lấp mặt bằng, phân ô, xây dựng và họp chợ tấp nập.
Ngày 12/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Chung – Chủ tịch UBND xã Hợp Nhất cho biết: "Khu vực Chợ quê Hợp Nhất hình thành, xây dựng, hoạt động trên phần diện tích hơn 3.500m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Đây chỉ là chợ tạm, không phải chợ kiên cố. Chợ được một người tên là Phong - con rể của bà Vũ Thị Tỵ (khu Vân Cương 1, xã Hợp Nhất) đứng ra mua lại quyền sử dụng đất nông nghiệp của một số hộ dân, rồi tự bỏ tiền san lấp mặt bằng, xây dựng khu vực chợ như hiện tại".
Cũng theo ông Chung, cuối năm 2021, khi phát hiện ra các hộ bà Vũ Thị Tỵ, hộ ông Trần Mạnh Cường, hộ ông Nguyễn Văn Hiếu san lấp mặt bằng, đổ bê tông, dựng cột trái phép trên đất nông nghiệp tại khu Vân Cương 1, UBND xã Hợp Nhất đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra hiện trạng, lập biên bản vi phạm, ra quyết định đình chỉ, xử phạt hành chính với hành vi hủy hoại đất nông nghiệp của các hộ này.
"Trong hồ sơ xử lý vi phạm thể hiện rõ, UBND xã Hợp Nhất yêu cầu các hộ vi phạm phải khôi phục, trả lại hiện trạng đất ban đầu" – ông Chung nói.
Chưa thể xử lý dứt điểm chợ xây trên đất nông nghiệp
Chia sẻ với Dân Việt, Chủ tịch UBND xã Hợp Nhất Nguyễn Văn Chung cho biết thêm, trước năm 2022, người dân ồ ạt tự phát họp chợ ở gần đầu cầu Sông Lô (khu Vân Cương 1) gây ách tắc, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đến tháng 11/2022, hơn 100 hộ dân có nhu cầu buôn bán kinh doanh đã làm đơn gửi huyện và xã, đề nghị cho vào khu đất của bà Tỵ đã đổ nền bê tông, dựng ki ốt để buôn bán, họp chợ tạm.
"Việc khu chợ quê Hợp Nhất tồn tại là sai quy định về đất đai, xây dựng, vi phạm hành lang đê điều, thoát lũ. Tuy nhiên cả xã Hợp Nhất hiện không có chợ để người dân họp chợ, nên chúng tôi rất khó khăn trong việc xử lý dứt điểm sai phạm" - ông Chung cho biết.
Tìm hiểu của PV Dân Việt, ngày 20/4/2022, UBND huyện Đoan Hùng đã có văn bản số 477/UBND-TNMT yêu cầu UBND xã Hợp Nhất và các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm san lấp, xây dựng công trình, chợ Hợp Nhất trái phép trên đất nông nghiệp thuộc hành lang bảo vệ đê điều, lấn chiếm không gian, hành lang thoát lũ tại khu Vân Cương 1 (gần cầu Sông Lô). Tuy nhiên, đến nay huyện Đoan Hùng, xã Hợp Nhất vẫn chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm vi phạm tại khu Vân Cương 1.
Mới đây nhất, ngày 11/5/2023, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đã có văn bản 723/SNN-CCTL đề nghị UBND huyện Đoan Hùng xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng.
"Việc khu chợ quê Hợp Nhất tồn tại là sai quy định về đất đai, xây dựng, vi phạm hành lang đê điều, thoát lũ. Tuy nhiên cả xã Hợp Nhất hiện không có chợ để người dân họp chợ, nên chúng tôi rất khó khăn trong việc xử lý dứt điểm sai phạm" - ông Chung cho biết.
Văn bản 723 nêu rõ, năm 2022, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đã đề nghị huyện Đoan Hùng xử lý các vi phạm Luật Đê điều tại khu vực Vân Cương 1, xã Hợp Nhất. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường hiện nay các vi phạm chưa được xử lý mà còn tiếp tục phát sinh các vi phạm mới.
Cụ thể, khu vực bãi sông và hành lang bảo vệ đê tả sông Lô đoạn tương ứng từ K5,2-K5,3 (khu Vân Cương 1) có nhiều hộ dân đã tự ý đổ đất vào bãi sông và hành lang bảo vệ đê, xây dựng nhà ở, lều quán, tổ chức họp chợ Hợp Nhất khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định...
Từ những sai phạm nghiêm trọng về đất đai, đê điều, xây dựng tại khu Vân Cương 1, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND huyện Đoan Hùng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong các bản tin tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.