Dân Việt

Vì sao đây được gọi là trung tâm du lịch tâm linh nơi rẻo cao Tây Bắc?

Thanh Tùng 27/05/2023 13:00 GMT+7
Cách thành phố Lào Cai khoảng hơn 70km, huyện miền núi Bảo Yên hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh. Đến với Bảo Yên, du khách như lạc vào không gian Tây Bắc thu nhỏ với những nét đẹp văn hóa bản địa lâu đời và cảnh đẹp tự nhiên của vùng sông núi.

Bảo Yên vươn mình nhờ lợi thế du lịch tâm linh

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Yên có 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm: Di tích lịch sử đền Bảo Hà, Di tích lịch sử Chiến thắng Đồn Phố Ràng, Di tích lịch sử đền Phúc Khánh và 7 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong đó, quần thể di tích di tích đền Bảo Hà là điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều khách du lịch về với Lào Cai.

Bảo Yên (Lao Cai) trên hành trình biến mình thành trung tâm du lịch tâm linh nơi dẻo cao Tây Bắc - Ảnh 1.

Bảo Yên sở hữu lợi thế về du lịch tâm linh. Ảnh: Thanh Tùng.

Trong những năm trở lại đây, hoạt động du lịch tâm linh tại Lào Cai được đầu tư trùng tu, tôn tạo khang trang, lộng lẫy. Nhờ đó, Bảo Yên hàng năm đã thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, chiêm bái. Đền Bảo Hà có vị trí cửa ngõ của tỉnh và huyện Bảo Yên theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đây là cơ sở quan trọng để Lào Cai xác định hình thành chuỗi du lịch tâm linh của tỉnh, trong đó trọng tâm là đền Bảo Hà. 

Bảo Yên (Lao Cai) trên hành trình biến mình thành trung tâm du lịch tâm linh nơi dẻo cao Tây Bắc - Ảnh 2.

Du khách hành hương thăm đền Bảo Hà (Lào Cai). Ảnh: Thanh Tùng.

Ngoài ra, huyện Bảo Yên còn có hệ thống các điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách. Sau khi tham quan đền Bảo Hà, du khách có thể dừng chân khám phá tại làng du lịch cộng đồng Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai).

Du lịch cộng đồng Bảo Yên với tiêu chí "5 cực"

Chỉ cách trung tâm huyện khoảng 30 km theo trục Quốc lộ 279. Nghĩa Đô là vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố tự nhiên, con người. Đó là 5 dòng suối tự nhiên và đầu nguồn; có hệ sinh thái, đa dạng sinh học biệt lập ít chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Cùng với đó, là các dãy núi cao bao bọc lòng chảo Nghĩa Đô, khiến không khí nơi đây luôn mát mẻ và trong lành...

Bảo Yên (Lao Cai) trên hành trình biến mình thành trung tâm du lịch tâm linh nơi dẻo cao Tây Bắc - Ảnh 3.

Du lịch cộng đồng Bảo Yên hấp dẫn du khách. Ảnh: Thanh Tùng.

Tại Nghĩa Đô, du khách có cơ hội khám phá những thác nước hùng vĩ, nguyên sơ như: Thác bản Hốc, Phạ Phân, Pác Bó; Vắng kheo, nơi đầu nguồn của những dòng suối, là nguồn sinh thủy bền vững, phục vụ đời sống lao động, sản xuất bao đời nay của cộng đồng dân tộc Tày Nghĩa Đô...

Bảo Yên (Lao Cai) trên hành trình biến mình thành trung tâm du lịch tâm linh nơi dẻo cao Tây Bắc - Ảnh 4.

Bảo Yên (Lao Cai) trên hành trình biến mình thành trung tâm du lịch tâm linh nơi dẻo cao Tây Bắc - Ảnh 5.

Về với Bảo Yên, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động như bắn nỏ, thả chài, đi cà kheo trên suối... Ảnh: Thanh Tùng.

Hiện nay, cộng đồng dân tộc Tày ở Nghĩa Đô đã hình thành một không gian văn hóa đa dạng và phong phú, là tài sản vô giá. Điển hình là hơn 1000 nếp nhà sàn, nơi sinh hoạt, cư trú của nhiều thế hệ hộ gia đình đồng bào dân tộc Tày. Các nếp nhà sàn tại đây vẫn được giữ lối kiến trúc với kiến trúc gần như còn nguyên vẹn được trao truyền hàng trăm năm lịch sử.

Bảo Yên (Lao Cai) trên hành trình biến mình thành trung tâm du lịch tâm linh nơi dẻo cao Tây Bắc - Ảnh 6.

Những nếp nhà truyền thống nơi bản Nghĩa Đô. Ảnh: Thanh Tùng.

Nhằm phát huy những thế mạnh du lịch, địa phương đang tập trung vào công tác xây văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công. Các lễ hội truyền thống nơi đây cũng được người dân bảo tồn, thực hành và trao truyền. Hiện nay, Nghĩa Đô đã thành lập câu lạc bộ Văn hóa dân gian, câu lạc bộ hát Then – đàn tính, các đội văn nghệ thôn bản hoạt động thường xuyên, hiệu quả, sẵn sàng trình diễn phục vụ du khách. Nhiều nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát,… được tập trung phát triển, các sản phẩm ngoài phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày của người dân, vừa là sản phẩm hàng hóa của các dịp chợ phiên, chợ đêm.

Năm 2022, với sự chung tay của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc phát triển và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, điểm du lịch xã Nghĩa Đô đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức du lịch tại địa phương.

Đặc biệt, đầu năm 2023, Diễn đàn du lịch Đông Nam Á - ATF 2023 tổ chức tại Indonesia, Nghĩa Đô vinh dự là một trong hai điểm du lịch homestay của Việt Nam đạt giải thưởng "Homestay ASEAN". Đó là cụm dịch vụ gồm 5 đơn vị homestay liên kết là Homestay số 1 - bản Hón, Homestay số 2 - bản Mường Kem, Homestay số 4 - bản Hón, Homestay số 5 - bản Nà Khương, Homestay số 6 - bản Thâm Mạ. Đây là giải thưởng thường niên của ASEAN nhằm tôn vinh các địa phương, đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến của du lịch ASEAN.

Bảo Yên (Lao Cai) trên hành trình biến mình thành trung tâm du lịch tâm linh nơi dẻo cao Tây Bắc - Ảnh 7.

Con người Nghĩa Đô thân thiện, hiếu khách.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đạt – Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển - Sở du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết: "Du lịch cộng đồng tại Nghĩa Đô mới hình thành và phát triển trong thời gian gần đây. Đặc trưng của du lịch cộng đồng nơi đây là giữ nguyên bản sắc, văn hoá của người Tày. Hướng đi mới của Nghĩa Đô là xây dựng du lịch theo hướng 5 cực là: cực xanh, cực sạch, cực đẹp, cực hay và cực ngon."

Theo ông Đạt, Nghĩa Đô có lợi thế phát triển du lịch nhờ cảnh quan, giao thông thuận tiên. Đặc biệt khả năng kết nối với điểm du lịch tâm linh Bảo Hà – Nghĩa Đô – Bản Liền. Bên cạnh đó, những khó khăn về mặt kinh nghiệm, kỹ năng của bà con Nghĩa Đô vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, Nghĩa Đô sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cao kỹ năng đón khách, đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng để phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của du khách.