Dân Việt

Hội Nông dân Cẩm Khê hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển trang trại, gia trại, tăng thu nhập

Mạnh Thuần - Hoan Nguyễn 29/05/2023 19:10 GMT+7
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Hội Nông dân tiếp sức cho nhà nông phát triển kinh tế trang trại

Hội Nông dân huyện Cẩm Khê hiện có 23.799 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 24 chi hội xã, thị trấn. Những năm qua, Hội Nông dân huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, là điểm tựa, tiếp sức giúp đỡ hội viên nông dân phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên vùng đất quê hương.

Trong đó, điểm nhấn là Hội Nông dân các cấp trong huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.

Điểm tựa "tiếp sức" giúp nông dân huyện miền núi Cẩm Khê thoát nghèo - Ảnh 1.

Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê giải ngân vốn vay cho nông dân xã Tạ Xá. Ảnh: Mạnh Thuần.

Trước đây, gia đình chị Hà Thị Thu Liễu (khu Xóm Dộc, xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) quanh năm bám vào ruộng vườn. Dù chăm chỉ trồng ngô, cấy lúa, chăn nuôi nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

Với suy nghĩ phải tìm hướng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2020, chị Liễu được Hội nông dân xã hướng dẫn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện với số tiền gần 50 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng.

Từ số vốn trên, gia đình chị Liễu xây dựng chuồng trại kiên cố nuôi gần 2.000 con gà, 70 con lợn thịt, 10 con lợn nái sinh sản. Cùng với đó, chị mạnh dạn nhận thầu gần 2 mẫu ruộng vừa cấy lúa, thả cá (trắm, mè, chép, rô phi...), vừa kết hợp với chăn nuôi ngan, vịt để "lấy ngắn nuôi dài".

Từ một hộ nghèo lâu năm, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia đình chị Liễu đã thoát nghèo, ngày càng mở rộng quy mô chăn nuôi và gặt hái được hiệu quả kinh tế rõ rệt theo từng năm, với mức lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Điểm tựa "tiếp sức" giúp nông dân huyện miền núi Cẩm Khê thoát nghèo - Ảnh 2.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nông dân huyện Cẩm Khê mạnh dạn đầu tư chuồng trại, tích tụ ruộng đất để phát triển mô hình kinh tế trang trại, mang lại thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu bền vững. Ảnh: Mạnh Thuần

Bên cạnh đó, chị Liễu còn chú trọng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tăng giá trị cho đàn vật nuôi, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện mô hình trang trại vườn, ao, chuồng của gia đình chị được rất nhiều hội viên, nông dân trong xã học hỏi, làm theo.

Nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ vốn vay ưu đãi

Hiện có gần 3.846 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Cẩm Khê được tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách thông qua các đơn vị ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 202 tỷ đồng. 

Để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, đúng thời điểm và đặc biệt là không để ai bị bỏ lại phía sau, Hội Nông dân huyện Cẩm Khê đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay, đưa nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đơn cử như Hội Nông dân xã Tạ Xá đang quản lý 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua 10 chương trình (hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm cho vay hộ mới thoát nghèo…) đã cho hơn 200 hộ vay, với dư nợ ủy thác trên 14 tỷ đồng. Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân xã Tạ Xá thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. 

Cùng với đó, Hội Nông dân xã Tạ Xá luôn quan tâm phối hợp với các ngành tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hội viên nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty thực hiện tốt việc tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức cần thiết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy liên kết hợp tác…

Điểm tựa "tiếp sức" giúp nông dân huyện miền núi Cẩm Khê thoát nghèo - Ảnh 3.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành (khu Phú Thịnh, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ) vốn là hộ nghèo, được Hội Nông dân xã cho vay 50 triệu đồng, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu. Ảnh: Mạnh Thuần

Từ nguồn vốn vay, đến nay các hội viên Hội Nông dân xã Tạ Xá đã xây dựng được hơn 100 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 50-300 triệu đồng/năm. Đến hết năm 2022, xã Tạ Xá đã có gần 400 hộ đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành (khu Phú Thịnh, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) trước đây vốn là hộ nghèo của xã, được Hội Nông dân xã cho vay số tiền 50 triệu đồng, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu. Hiện chuồng nuôi của hộ anh Thành thường xuyên có 300-400 cặp giống chim bố, mẹ. Mỗi tháng xuất bán từ 100-120 cặp chim các loại; trong đó, chim giống bán giá 250-400 nghìn đồng/cặp, 100 nghìn đồng/cặp chim thương phẩm (chim non). Sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 150 triệu đồng.

Hay như gia đình anh Nguyễn Cao Cường (khu Giáp Xuân, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) trước đây thường xuyên trong tình cảnh "thiếu trước hụt sau" do thu nhập phụ thuộc vào vài sào ruộng lúa kém năng suất. Với quyết tâm thoát nghèo, gia đình anh được Hội Nông dân xã cho vay ủy thác số tiền 80 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện để bắt tay xây dựng mô hình trang trại nuôi gà, ngan, kết hợp đào hơn 2 sào ao để thả cá.

Nhiều năm nay, bình quân mỗi năm gia đình anh Cường xuất bán hơn 1 vạn con gà thịt, khoảng 6 nghìn con ngan giống. Sau khi trừ chi phí cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi trang trại của hộ anh Cường đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng; trở thành hộ phát triển kinh tế giỏi của xã Tạ Xá.

Có thể nói, với việc phát huy nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CSXH, các cấp Hội Nông dân huyện Cẩm Khê đã và đang tạo hiệu quả trong việc giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân. Từ đó, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.