Ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy, một HTX ở Thái Nguyên bán ra hàng nghìn lít/năm

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 28/05/2023 19:00 PM (GMT+7)
Sau một quá trình sản xuất và bán ra thị trường được khách hàng tin dùng, HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã mang sản phẩm dầu lạc đi dự thi OCOP và đạt chứng nhận 3 sao.
Bình luận 0

Từ những năm 2016 trở về trước, bà Đỗ Thị Viện, xã Tân Khánh (Phú Bình, Thái Nguyên) đã nổi tiếng trong vùng với nghề buôn lạc. Khi đến đây, hỏi về "bà Viện buôn lạc" không ai là không biết.

Sản phẩm dầu lạc HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh.

Kể về cơ duyên đến với nghề ép dầu lạc với PV Dân Việt, bà Viện cho biết: Từ năm 2003, bà bắt đầu đi khắp nơi thu gom lạc của bà con nông dân trong vùng về bán cho thương lái Trung Quốc. Đến năm 2016, khi công việc đang suôn sẻ thì thương lái Trung Quốc ngừng thu mua lạc, khiến công việc của bà bị ngưng trệ.

Trước khó khăn hiện hữu, bà đã cất công sang tận Trung Quốc để tìm cách tiếp cận thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi sang đó, bà nhận thấy người dân nước bạn chủ yếu mang lạc đi ép để dùng thay thế cho những loại dầu công nghiệp mà mọi người vẫn đang sử dụng ở Việt Nam hiện nay.

Ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy, HTX này ở Thái Nguyên mang đi thi OCOP đạt chứng nhận 3 sao - Ảnh 2.

Cất công sang tận Trung Quốc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm lạc, bà Viện đã học được cách ép dầu lạc của người dân ở đó và về áp dụng tại địa phương. Ảnh: Kiều Hải

Chính điều này đã khiến bà Viện nảy sinh ý định sẽ áp dụng cách làm này tại địa phương. Do đó, bà đã quyết định đầu tư máy móc, thiết bị và học hỏi cách thức ép dầu về sản xuất tại quê nhà. 

Ban đầu, bà mua máy thủ công nhỏ về làm thử với số lượng ít, sau này khi đã thuần thục và được người tiêu dùng đón nhận sản phẩm, bà tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc có công suất lớn và hiện đại hơn với chi phí đầu tư trên 200 triệu đồng. Hiện nay, hệ thống máy ép dầu của HTX đang có công suất từ 100 – 120 lít dầu/giờ đồng hồ.

Ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy, HTX này ở Thái Nguyên mang đi thi OCOP đạt chứng nhận 3 sao - Ảnh 3.

Hiện nay, hệ thống máy ép dầu của HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang có công suất từ 100 – 120 lít dầu/giờ đồng hồ. Ảnh: Kiều Hải

Để làm ra được sản phẩm dầu lạc chất lượng, theo bà Viện việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào là vô cùng quan trọng. Trung bình mỗi lít dầu lạc sẽ cần khoảng 2kg lạc nhân. Lạc được HTX mua của bà con trong vùng và được kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Lạc ép dầu được bà Viện lựa chọn là loại lạc trắng vì cho năng suất cao hơn lạc đỏ nên giá thành nguyên liệu nhập vào rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy, HTX này ở Thái Nguyên mang đi thi OCOP đạt chứng nhận 3 sao - Ảnh 4.

Lạc ép dầu được bà Viện lựa chọn là loại lạc trắng vì cho năng suất cao hơn lạc đỏ nên giá thành nguyên liệu nhập vào rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Hà Thanh

Lạc được bà thu mua từ lúc còn tươi, đem về cho vào lò sấy khô trong khoảng 3 ngày. Sau đó, lạc được cho vào máy bóc vỏ và đem ra nhặt sạch rồi cho vào lò sấy cho khô kiệt. Trước khi cho vào máy rang chín khoảng 20% được nhặt sạch một lần nữa. Tiếp đến lạc được cho vào máy ép rồi máy lọc nén khí 3 lần mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

"Trong quá trình ép dầu cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp để dầu không bị cháy khét làm ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, quá trình lọc dầu cũng cần điều chỉnh thời gian chậm lại để dầu lọc ra được trong và sạch", bà Viện lưu ý.

Ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy, HTX này ở Thái Nguyên mang đi thi OCOP đạt chứng nhận 3 sao - Ảnh 5.

Trong quá trình ép dầu cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp để dầu không bị cháy khét làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ảnh: Kiều Hải

Theo bà Viện, ưu điểm của dầu lạc so với một số loại dầu công nghiệp khác đó là sản phẩm có độ ngậy, thơm ngon, do được ép từ 100% hạt lạc nguyên chất nên sản phẩm rất lành tính. Chính vì thế, khi sử dụng loại dầu này người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Thời gian sử dụng sản phẩm này có thể kéo dài lên tới 12 tháng mà không lo bị đông đặc như một số loại dầu trên thị trường hiện nay.

Ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy, HTX này ở Thái Nguyên mang đi thi OCOP đạt chứng nhận 3 sao - Ảnh 6.

Năm 2022, sản phẩm dầu lạc của HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay bên cạnh sản phẩm dầu lạc, HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện còn sản xuất thêm cả dầu mè và dầu đậu nành. Năm 2022, HTX Đỗ Viện sản xuất và bán ra thị trường trên 3.000 lít dầu các loại, trong đó chủ yếu vẫn là dầu lạc.

Ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy, HTX này ở Thái Nguyên mang đi thi OCOP đạt chứng nhận 3 sao - Ảnh 7.

Năm 2022, HTX Đỗ Viện sản xuất và bán ra thị trường trên 3.000 lít dầu các loại. Ảnh: Hà Thanh

Trong năm 2022, HTX đã đưa sản phẩm dầu lạc đi dự thi sản phẩm OCOP và đạt chứng nhận 3 sao. Trong năm nay, HTX dự định sẽ tiếp tục đăng ký dự thi OCOP đối với sản phẩm dầu mè và dầu đậu nành. Đồng thời, cũng trong năm 2023, sản phẩm dầu lạc của HTX được để cử là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.

Thời gian tới, HTX mong muốn sẽ được các cấp, các ngành hỗ trợ để HTX xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem