Bắc Ninh là đất khoa bảng, nhưng chỉ làng này mới có cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, đó là làng nào?

Nguyễn Thị Thúy (Ban quản lý di tích tỉnh/Cổng TTĐT Bắc Ninh) Thứ hai, ngày 29/05/2023 05:01 AM (GMT+7)
Tam Sơn, thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) là đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước. Làng Tam Sơn (nay là phường Tam Sơn) nổi tiếng trong cả nước bởi truyền thống khoa bảng, hiếu học, nơi duy nhất trong cả nước có đủ tam khôi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và 22 vị đỗ đại khoa.
Bình luận 0

Theo các sách Đại Việt lịch triều Đăng khoa thực lục, Liệt truyện đăng khoa lục, Lịch triều đăng khoa lục v.v… thì từ thời Trần đến thời Nguyễn, làng Tam Sơn có những vị đại khoa như: Nguyễn Quán Quang, Ngô Luân, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Úc, Ngô Thầm, Nguyễn Khiết Tú, Nguyễn Huy Tái, Nguyễn Tự Cường, Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Hòa Trung, Nguyễn Tảo, Nguyễn Vân Quang, Nguyễn Đạo Quán, Ngô Diễn, Ngô Trạch, Ngô Sách Thí, Ngô Sách Dụ, Ngô Sách Tuân, Ngô Sách Tố, Nguyễn Thiện Kế. Thật đúng với câu ca:

Tam Sơn có đất ba gò

Của trời vô tận một kho nhân tài.

Nguyễn Quán Quang lúc nhỏ có tên là Nguyễn Quan Quang, quê ở xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo. Vì hoàn cảnh gia đình không đủ tiền đi học nên ông thường lân la ngoài cửa lớp nghe thầy dạy học trò trong làng học sách Tam tự kinh, sau đó ông dùng gạch non viết xuống sân. Thầy giáo thấy chữ của Nguyễn Quán Quang liền nhận làm học trò.

Nguyễn Quán Quang nổi tiếng thông minh học một biết mười. Chẳng bao lâu, ông đã thông kinh, thuộc sử, ứng khẩu thành thơ, luận bàn việc đời thông thái uyên thâm. Ông dự kỳ thi Hương, đậu luôn giải Nguyên. 

Bắc Ninh là đất khoa bảng, nhưng chỉ làng này mới có cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, đó là làng nào? - Ảnh 1.

Lớp học theo đạo Khổng giáo thời xưa-nơi xuất hiện các nhân tài, những người đỗ đại khoa, đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa...

Đến kỳ thi Hội lại đỗ luôn Hội nguyên. Khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Đại tỉ thủ sĩ vào năm Bính Ngọ (1246), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 15, có danh hiệu Tam khôi  gồm:  Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Trong kỳ thi này, Nguyễn Quán Quang đã đậu Trạng nguyên; Phạm Văn Tuấn đậu Bảng nhãn; Vương Hữu Phùng đậu Thám hoa.  

Nguyễn Quán Quang chính là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt. Trong danh sách 47 vị trạng nguyên treo ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) thì Nguyễn Quán Quang được ghi đầu tiên rồi sau đó mới là Nguyễn Hiền.

Sau khi vinh quy bái tổ, ông vào chầu vua để được ra xuất chính.Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, Nguyễn Quán Quang có nhiều cống hiến cho triều đình nên được vua thăng đến chức Bộc xạ (tương đương Tể tướng). Khi làm quan ông hết lòng vì dân vì nước, thanh liêm, trung thực, được trong triều ngoài dân mến phục cả tài lẫn đức.

Khi về già, ông về quê hương mở trường dạy học, sống đời thanh đạm. Nơi Nguyễn Quán Quang dạy học về sau dân dựng lên một ngôi chùa gọi là chùa Linh Khánh. 

Ngôi chùa Linh Khánh về sau không còn nữa, nhưng vẫn còn một cây hương đá tạc vào năm Chính Hoà thứ 18 năm 1697. 

Nội dung ghi trên bia nói về công đức của trạng nguyên Nguyễn Quán Quang với dân làng. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ông trên núi Viềng. Dân làng Tam Sơn thờ ông làm Thành Hoàng làng, gọi là Bản thổ Thành Hoàng, Đại vương Phúc Thần. Triều đình cũng truy phong ông là Đại tư không.

Hàng năm cứ vào dịp 22 tháng chạp âm lịch, dân làng lại tổ chức “ Tế phong mã” để tưởng nhớ vị Trạng nguyên tài năng và ân đức của quê hương Kinh Bắc. Đồng thời giáo dục truyền thống khoa bảng hiếu học của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem