Dân Việt

Đỗ đạt và lao động

Phạm Quang Vinh 02/06/2023 15:25 GMT+7
Mùa tốt nghiệp và mùa tuyển sinh đại học đang đến. Nền giáo dục và thị trường giáo dục lại đang nóng bỏng bởi các con số: Điểm đầu vào, tỉ lệ chọi, tỷ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ được tuyển dụng, lương đầu ra... Câu chuyện học hành - đỗ đạt - việc làm chưa bao giờ hết sôi động và bàn cãi

Có khá nhiều khái niệm từ những thập niên 60, 70 giờ đây hầu như không còn được nhớ đến, như là chuyện học 7+2, 7+3; học 10+2 hay 10+3. Đây là những khái niệm "nôm na" để chỉ các bậc học, ví dụ 7+2 hay 7+3 là những người học trung cấp, học nghề, tức là sau khi tốt nghiệp lớp 7 (tương đương lớp 9 hiện nay) thì học thêm 2 năm hoặc 3 năm. 10+2 là những người tốt nghiệp lớp 10 (hệ 10 năm).

Năm 1978, chúng ta cải cách giáo dục, với việc đầu tiên là thay thế hệ phổ thông 10 năm (thật ra là 11 năm, bao gồm lớp vỡ lòng) bằng hệ 12 năm, và từ đó, nhiều sáng kiến khác nhau về giáo dục, nhiều đợt cải cách, nhiều loại sách giáo khoa đã được giới thiệu.

Và một trong số những kết quả chúng ta có hiện nay, là cho dù số người học các bậc học cao đông hơn nhiều, nhưng độ tuổi bắt đầu tham gia thị trường lao động đã tăng lên rất nhiều, và tuổi bắt đầu tham gia thị trường lao động dường như vẫn tiếp tục tăng. 

Mấy chục năm trước, một người 20 tuổi đã có thể học xong đại học sư phạm và trở thành giáo viên cấp 3 (trung học phổ thông), ngày nay, phải đợi đến 22-23 tuổi mới có thể trở thành giáo viên trung học, sau 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học. Độ tuổi tham gia thị trường lao động của một số lớn thanh niên là 22-23 tuổi, sau khi họ tốt nghiệp đại học, hoặc 21-22 tuổi, sau khi tốt nghiệp một trường đào tạo nghề nào đó.

Những người khác sẽ tham gia thị trường lao động phổ thông, và hầu như không được đào tạo nghề, hoặc sẽ tự học những nghề lao động phổ thông ở đâu đó.

Hầu như không có lao động trẻ được đào tạo để tham gia thị trường lao động ở độ tuổi 18, khi họ đã là công dân với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo luật.

Lao động có kỹ năng, được đào tạo (skilled worker) luôn luôn thiếu, trong khi lực lượng lao động luôn cần có việc làm là một nghịch lý lớn của chúng ta hiện nay.

Trong khi dân số đang già đi, thì việc thanh niên tham gia thị trường lao động quá muộn cũng là một thách thức với sự phát triển, khi số người làm việc, có việc làm thường xuyên trong xã hội giảm đi, so với số lượng những người xã hội phải chăm lo tăng dần lên khi tuổi thọ cũng tăng. 

Những thay đổi cho thực trạng ấy nhất thiết và nên sớm bắt đầu từ giáo dục.

Có rất nhiều nghề, nhiều công việc mà chúng ta có thể đào tạo cho thanh niên ngay trên ghế nhà trường, trong vài ba năm cuối phổ thông ở bậc trung học. Ví dụ, trong khi lao động của lĩnh vực du lịch – dịch vụ rất thiếu nhân công, rất cần những người được đào tạo, thì học sinh phổ thông cần tốt nghiêp trung học, rồi phải đi học tiếp 3 hay 4 năm nữa mới có thể gia nhập thị trường này. Trong khi đó, chương trình Tú tài quốc tế (IB-International Baccalaureate), một chương trình trung học phổ thông quốc tế bằng tiếng Anh phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, gần đây đã đưa chương trình giáo dục nghề nghiệp (IB Career related program) cho học sinh hai năm cuối trung học, với khoảng 360 giờ học và thực hành nghề quản trị khách sạn, với nhiều kiến thức khác nhau, đảm bảo sau khi tốt nghiệp (18 tuổi), học sinh có thể làm việc ngay trong lĩnh vực này.

Có rất nhiều ngành nghề hiện nay cho phép thiết kế những chương trình giáo dục nghề như vậy ngay ở bậc học phổ thông, cùng với chương trình phổ thông, ví dụ như nhân viên ngành du lịch, khách sạn, nhân viên văn phòng, hành chính, người viết phần mềm…  

Nhưng quan trọng nhất, ở tầm quốc gia, cần có một chương trình tổng thể, một chiến lược dài hạn và các bước đi thích hợp của ngành giáo dục, để sớm hạ thấp độ tuổi tham gia thị trường lao động của thanh niên, giúp họ sớm tạo lập và tích luỹ sự nghiệp và tài sản, đồng thời gia tăng lực lượng lao động, trẻ hoá lực lượng lao động hiện tại.

Tất nhiên, chiến lược như vậy đồng thời cũng cần và nên gắn với các chương trình đào tạo suốt đời, giúp những người lao động trẻ có thể tiếp cận với các cơ hội đào tạo bổ sung, nâng cao, chuyển đổi nghề nghiệp. Cơ hội cho những chương trình như vậy ngày nay đang trở nên thuận lợi hơn, to lớn hơn, với sự phổ biến và khả năng tiếp cận đơn giản của giáo dục trực tuyến.

Và nên gắn giữa câu chuyện của đỗ đạt, với khả năng tham gia thị trường lao động, chứ không phải là những bản thống kê về số lượng học sinh, sinh viên được đào tạo.