Tội phạm và sự đồng tình của xã hội, nhìn từ vụ án cô giáo Lê Thị Dung

Đức Hiển Thứ hai, ngày 08/05/2023 07:24 AM (GMT+7)
Hành vi của cô giáo Lê Thị Dung có nguy hiểm đến mức bị xử lý hình sự khi mà trong 10 năm "lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi" 45 triệu đồng, tức mỗi tháng Giám đốc Dung "trục lợi" chừng 350 ngàn đồng?
Bình luận 0

Việc Hội đồng Xét xử TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tuyên bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Hưng Nguyên 5 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 45 triệu đồng đã gây xôn xao dư luận.

Liệu có thể và có nên coi cô giáo Lê Thị Dung là tội phạm? Hành vi của cô Dung có nguy hiểm đến mức bị xử lý hình sự khi mà trong 10 năm "lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi" 45 triệu đồng, tức mỗi tháng Giám đốc Dung "trục lợi" chừng 350 ngàn đồng? Người có ý thức trục lợi phi pháp, không ai đủ kiên nhẫn làm sai chỉ để kiếm 350 ngàn mỗi tháng trong một thập kỷ cả.

Mà ở đây, việc "trục lợi" ấy bắt nguồn từ việc cô Dung xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cho phép thanh toán phụ cấp đối với những người kiêm nhiệm công tác, trong đó có mình. Quy chế được lấy ý kiến tập thể trước khi ký ban hành. 

Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm là hành vi cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.

Và cũng Điều 8 quy định rằng: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Nếu so sánh những cống hiến của cô Dung trong quản lý và phát triển đơn vị (được chứng minh bằng việc đánh giá, bổ nhiệm và cho giữ chức trong thời gian ấy) thì 350 ngàn mỗi tháng có phải là hành vi khiến cô giáo bị coi là tội phạm?

Liệu còn cách xử lý nào khác? Liệu còn hướng tiếp cận và đánh giá khác? Liệu có góc nhìn "cô giáo vô tội" (tức không cần xử lý hình sự)?

Tôi nghĩ, vấn đề ở đây là chính sách hình sự. Có thể không xử lý hình sự cô giáo mà vẫn đạt được mục tiêu bảo vệ pháp chế và thoả mãn công lý.

Việc bỏ tù (bao gồm cả tạm giam) cô giáo Dung có cần thiết hay không, khi mà gia đình cô giáo Dung có đơn xin bảo lĩnh tại ngoại hay và cô Dung có đủ điều kiện để được tại ngoại theo Điều 121 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, là:

- Là người từ đủ 18 tuổi trở lên; Nhân thân tốt, trước đây chưa từng phạm tội bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật; Có công việc, thu nhập ổn định.

- Có điều kiện để quản lý người được bảo lĩnh, có chỗ ở ổn định, nơi cư trú rõ ràng…

- Cam đoan không được bỏ trốn khỏi nơi cư trú và không tiếp tục phạm tội;

- Có mặt theo giấy triệu tập; không để mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; Không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; Không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của họ.

Oái oăm ở chỗ, điều kiện để được tại ngoại còn có "phối hợp, hợp tác điều tra", nhưng ở đây cô Dung liên tục kêu oan, không nhận tội. Có thể đó là lý do để cô bị tạm giam lâu đến vậy..

Nhưng, có thể thấy trong rất nhiều vụ khác, phối hợp,hợp tác điều tra...không đồng nghĩa với kêu oan. 

Có nhiều trường hợp ngay từ khi khởi tố bị can, đã không bị tạm giam. Vậy lúc đó, họ đã kêu oan đâu? do đó, đã không phối hợp, hợp tác điều tra đâu?

Về mặt chủ quan của tội phạm: Tới giờ về nhận thức cô giáo cho rằng mình vô tội. Về mặt khách quan, đang có sự hiểu khác nhau về áp dụng phụ cấp công tác đảng và phụ cấp của người đứng đầu cơ sơ giáo dục công lập. Cụ thể, cơ quan tố tụng cho rằng cô Dung đã được hưởng phụ cấp cấp ủy mức 0,3 lương cơ sở mà còn tính mức 3 tiết/tuần để thanh toán nữa là thanh toán trùng, vi phạm pháp luật.

Trong khi đó 2 khoản chi nói trên một bên là phụ cấp cấp ủy (phụ cấp trách nhiệm) hưởng theo Quy định 169/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, một bên là định mức tiết dạy (công sức lao động) dành cho chức danh Bí thư Chi bộ theo Thông tư 28/2008 của Bộ GDĐT. Tuy nhiên văn bản này chỉ quy định định mức trên cho giáo viên chứ không áp dụng cho hiệu trưởng (Giám đốc TT) đồng thời là Bí thư Chi bộ. Điều này, sau vụ cô Dung, thiết nghĩ ban các Ban Đảng Trung ương và Bộ Giáo dục cần thống nhất.

Bối cảnh cô Dung "lợi dụng chức vụ quyền hạn" cũng cần được xem xét bởi trong 10 năm "diễn ra hành vi phạm tội", các quy định của pháp luật quyền hạn, trách nhiệm, quy chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính như Trung tâm nơi cô làm giám đốc cũng có nhiều thay đổi. Có nhiều văn bản được ban hành mà không phải bao giờ các văn bản ấy cũng mang lại cách hiểu thống nhất.

Tôi nhớ trong một bài viết trên Tạp Chí Cộng sản vào tháng 3-2022, PGS, TS. Nguyễn Hoà Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề cập đến việc "Tìm kiếm và thực thi các giải pháp thay thế một số hoạt động tố tụng". Trong đó ông nhận định: "Đánh giá hiệu quả hoạt động tư pháp, hiệu quả xét xử không chỉ căn cứ vào số lượng vụ án, vụ việc được giải quyết, mà phải dựa trên chất lượng xét xử, sự tâm phục, khẩu phục của các bên, sự đồng tình của dư luận xã hội, chi phí của Nhà nước và xã hội.."

Như vậy, bản án đã tuyên với cô giáo Lê Thị Dung liệu có đạt được sự tâm phục, khẩu phục của các bên, sự đồng tình của dư luận xã hội, chi phí của Nhà nước và xã hội? Có thấu lý, đạt tình?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem