Tôi rời làng quê để tới Hà Nội nhập học trong một buổi chiều cuối thu, khi cánh đồng lúa ngả màu vàng óng. Chiếc ba lô nằm khẽ bên bên mình, nhìn ra ô cửa sổ chuyến tàu, những ngôi nhà bắt đầu lấp lánh ánh đèn khi buổi chiều tàn bóng tối ập xuống. Tôi ngơ ngác nhìn ra khoảng không gian xa xa, thấy một chút lãng đãng, một chút vừa vấn vương. Tuổi mười tám, có điều gì háo hức đang chờ đợi ở phía trước, như chuyến tàu vẫn lăn bánh trên đường ray.
Ga Hàng Cỏ đón tôi bằng những ánh vàng đèn điện buổi tối. Một gam màu đủ ấm nóng cho cô sinh viên vừa mới xa nhà. Có những con tàu đợi chờ nằm ngang dọc trên sân ga. Một đoàn tàu chuẩn bị chuyển bánh, người đi ngược, kẻ về xuôi. Ai thôi đợi chờ để tìm cho mình những nẻo đường về có bình yên, hạnh phúc? Từ lúc chiều nay, mẹ tôi bịn rịn đưa tôi ra ga, mẹ dặn tôi cố gắng học hành thật tốt. Cả quãng đường dài tôi ngồi trong hàng ghế trên tàu, nỗi nhớ về mẹ nhìn đằng trước, ngó đằng sau, chỗ nào tôi cũng thấy.
Ga Hàng Cỏ, bây giờ đổi tên là Ga Hà Nội, được xây dựng từ thời Pháp 1897-1902 khi Paul Doumer nhậm chức toàn quyền Đông Dương. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, diện tích ga Hàng Cỏ đã thay đổi nhiều.
Nơi sân ga ấy, đôi khi không chỉ là dọc ngang chuyến tàu rời bến đi xa, mà còn chở cả ký ức một thời chẳng ai có thể quên được. Đó là hàng trăm chuyến tàu chở hàng vạn thanh niên Hà Nội vào Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước; là những cuộc chia tay đầy cảm xúc nhưng rất đỗi tự hào của người Hà Nội. Một nét đẹp tô đậm thêm "chất văn hóa" cùng dòng lịch sử đi qua.
Tôi không có nhiều kỷ niệm về ga Hàng Cỏ, nhưng tôi không thể quên ngày đợi thằng em trai tôi ra chơi với chị nhân dịp nghỉ hè mà hai chị em lạc nhau tìm muốn khóc.
Một ngày mùa đông lạnh đỏ trên những tán lá bàng, tôi và đứa bạn đèo nhau ra chợ Đồng Xuân. Khu chợ gắn bó với Hà Nội bao đời cùng lịch sử. Ngày xưa, trên những dòng sông gió hát, nơi thuyền bè tấp nập, người dân chèo thuyền qua lại bán mua. Triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng khu chợ ở phía Nam sông Tô Lịch để phục vụ việc giao thương buôn bán của tàu thuyền.
Chợ Đồng Xuân ngày đó đi vào trong ký ức của các cụ ta bởi những gian hàng mùa nào thức ấy. Người dân tứ xứ đổ về đây, lao xao cá tôm; rôm rả hàng cà, hàng táo, hàng lê. Cả những người từ mạn Thanh – Nghệ cũng chèo thuyền về đây để đổi cá lấy gạo.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Trung tuần tháng 2 năm 1947, một trận chiến ác liệt nhất giữa Trung đoàn Thủ đô và nhân dân chợ Đồng Xuân với giặc Pháp trong những năm đầu kháng chiến. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh!
Ngày nay, nằm ngay cửa chợ Đồng Xuân là bức phù điêu "Hà Nội mùa đông năm 1946" như nhắc nhở chúng ta sự hy sinh của đồng bào và các cảm tử quân.
Bạn tôi đọc tặng tôi bài thơ "Bà Xẩm ở chợ Đồng Xuân", bài thơ mà ông ngoại bạn thường hay nhẩn nha cùng chiếc đàn nhị: "Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân/ Mùa nào thức nấy, xa gần xem mua...".
Bài thơ như đưa tôi lạc về miền ký ức với những cô hàng xén răng đen thường bán kim chỉ, bấc đèn, khăn đen mỏ quạ; những chị nón thúng quai thao trong tấm áo mớ ba mớ bảy gánh gồng đi chợ bán mua. Chợ ở đây thường bán buôn nhiều hơn bán lẻ. Hàng hóa, vải vóc đủ sắc màu.
Tôi bước vào trong chợ định chọn cho mình một chiếc áo phao thật ấm. Nhưng khi đếm tiền trong túi, để có được chiếc áo đó chắc tôi chẳng còn tiền để mua thức ăn cho cả tuần sau. Chị bán hàng nhìn tôi ái ngại rồi nhỏ nhẹ bảo rằng: "Chị sẽ giữ áo này lại cho em. Hôm nào, em đến lấy, chị bớt cho em chút ít." Tôi rối rít cảm ơn chị.
Tôi chẳng thể quên chiếc áo phao màu đỏ ước ao; càng chẳng thể quên cái nhìn ấm áp, nụ cười thân thiện của một chị bán hàng có tết tóc đuôi sam xinh xắn. Thế đấy, cung cách buôn bán của tiểu thương chợ Đồng Xuân như níu bước chân tôi.
Hà Nội như người bạn cũ sớm nay đưa cho tôi hộp màu và cọ, bảo tôi vẽ bức tranh về Hà Nội. Điểm xuyết với màu xám cho đoàn tàu ga Hà Nội, màu vàng của chợ Đồng Xuân, màu rêu phong phố cổ; màu đỏ của ngọn cờ chiến thắng.
Nhưng có lẽ tôi chưa đủ "màu" để vẽ lên tất cả "màu văn hóa" tuyệt vời và sâu sắc của Hà Nội yêu thương.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.