Ký ức Hà Nội: Thoáng đồng quê trong lòng Thủ đô

Trần Minh (Hà Nội) Thứ sáu, ngày 02/06/2023 07:02 AM (GMT+7)
Sau mỗi trận mưa rào, chúng tôi thường xuống vườn bắt ếch, đào lươn, nhưng thích nhất là mỗi khi mưa ngập trắng xóa cả khu vườn. Đây cũng là thời điểm sông Tô Lịch có nhiều cá "xổng chuồng" từ các ao, hồ nuôi tràn ra ngoài...
Bình luận 0

Tôi sinh ra ở Hà Nội, tuổi thơ tôi không được bay cao cùng những cánh diều trên triền đề những buổi chiều lộng gió; không được cùng lũ bạn chăn trâu lặn ngụp trong con sông quê có hạt phù sa của tháng ba, tháng bảy; cũng không có được cái cảm giác bâng khuâng khi nhìn thấy làn khói lam chiều lửng thửng trên nóc bếp nhà ai xa xa phía chân trời... Nhưng tôi vẫn có may mắn được sống và cảm nhận khung cảnh đồng quê ngay trong nội thành Hà Nội.

Nhà tôi ở đường đê Tô Hoàng (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng). Từ xa xưa, đây là con đê phòng hộ chạy dọc theo sông Tô Lịch, sau này, đoạn sông dưới chân đê qua nhà tôi thu hẹp dòng chảy và trở thành một nhánh nhỏ nối với sông Kim Ngưu, có chức năng thoát nước thải của thành phố. Phía bên kia là ngôi trường cấp một, hai Tô Hoàng, nơi tôi đã học những năm tháng phổ thông trên ghế nhà trường.

Ký ức Hà Nội: Thoáng đồng quê trong lòng Thủ đô - Ảnh 1.

Khu vườn xưa đã trở thành một khu dân cư đông đúc, đường đi thụ hưởng từ dự án bê tông cống hóa nhánh sông. Ảnh tác giả cung cấp.

Sát với bờ sông Tô Lịch là một khu vườn trồng rau xanh rộng hàng nghìn mét vuông của hợp tác xã nông nghiệp mà lũ trẻ chúng tôi vẫn gọi bằng cái tên quen thuộc: "Vườn".

Nếu đặc trưng của đồng quê nông thôn thế nào, thì khu vườn nơi chúng tôi ở cũng gần như thế. Cũng có cái mùi thum thủm, hăng hắc của phân bắc, phân chuồng và nước tiểu được các xã viên thu gom về đem ủ làm phân bón và tưới cho cây. Mùa hạ, những con mưa rào đổ xuống, dưới vườn, tiếng ếch kêu ồm ộp; tiếng chim hót líu lo tạo ra một hệ sinh thái như đang sống ở đồng quê. Chiều đến, khi ánh hoàng hôn vụt tắt, bóng tối bao phủ toàn khu vườn một màu đen kịt cũng là lúc một dàn đồng ca rả rích của côn trùng râm ran lan tỏa. 

Sau mỗi trận mưa rào, chúng tôi thường xuống vườn bắt ếch, đào lươn, nhưng thích nhất là mỗi khi mưa ngập trắng xóa cả khu vườn. Đây cũng là thời điểm sông Tô Lịch có nhiều cá "xổng chuồng" từ các ao, hồ nuôi tràn ra. Người lớn thì đánh vó, còn trẻ con chúng tôi thì dùng vợt để vớt những con cá chết về cho bố mẹ nấu cám cho lợn. Với những con cá lởn vởn gần mép sông, chúng tôi dùng cành cây để đập. Bây giờ ở chợ thấy ít bán cà mè, nhưng thời bao cấp khó khăn, đập được con cá mè về cho mẹ nấu canh chua thì mừng lắm.

Có một điều đến nay tôi cũng chưa lý giải được, sông Tô Lịch chảy qua khu vực nhà tôi là nhánh sông thoát nước thải của thành phố. Đủ thể loại nước thải không qua xử lý môi trường, đổ thẳng ra cống, rồi chảy ra nhánh sông Tô Lịch này, nhưng cá vẫn sống được trên sông? Chúng tôi vẫn rủ nhau đi vớt cá bảy màu từng đàn sinh sôi nảy nở; cá thầu dầu thì khá nhiều, cũng chỉ vớt về cho lợn, gà ăn. Bây giờ, nước thải ở các cơ sở công nghiệp đều qua xử lý môi trường mới chảy ra ngoài, nhưng sông Tô Lịch vẫn được ví là "dòng sông chết".

Không chỉ có ngày mưa, mà cả những ngày nắng, vườn luôn là nơi chúng tôi rủ nhau xuống để khám phá những điều mới mẻ từ thiên nhiên. Những trò chơi của con trẻ nhưng thể hiện tư duy sáng tạo, như ngâm chun vòng với xăng làm nhựa dính chuồn chuồn; đi bắt những con bọ hung trên cây vông về để biến chúng thành "con bò" kéo xe làm từ bao diêm Thống nhất; lấy rơm hun khói một đầu hang, rồi đón lõng đầu hang bên kia chờ lũ chuột chui ra bắt... Những trò nghịch ngợm trên khu vườn của tuổi thơ, là ký ức chẳng thể nào quên.

Ký ức Hà Nội: Thoáng đồng quê trong lòng Thủ đô - Ảnh 3.

Khu vườn xưa đã được gắn biển một khu dân cư mới, với lối đi thêm từ đường Đại Cồ Việt vào. Ảnh tác giả cung cấp.

Bây giờ, đoạn sông Tô Lịch chảy qua khu vực nhà tôi dưới chân đường Đê Tô Hoàng đã được đổ bê tông theo dự án cống hóa của thành phố. Những ao, hồ xung quanh khu vực này đã bị lấp hết để xây dựng nhà ở, vườn đã trở thành một khu dân cư đông đúc. Tốc độ đô thị hóa và sự tăng dân số cả tự nhiên lẫn cơ học đã biến Hà Nội trở nên chật chội, nhất là ở khu vực nội thành; vì thế, một khu vườn mang thoáng đồng quê với hơi thở thiên nhiên trong lòng Hà Nội như khu vườn ký ức dưới chân Đê Tô Hoàng chỉ còn trong truyện cổ tích.

Hà Nội đang phát triển, Hà Nội đang đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại; sự xung đột về quỹ đất công cộng và nhà ở là bài toán cho các nhà quản lý. Nhưng tôi và những người dân Hà Nội đều mong đợi, trong tương lai, qui hoạch của Hà Nội sẽ ngày càng hướng đến không gian xanh; công viên, vườn hoa và hồ nước sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Thủ đô, để người dân Hà Nội được sống trong một môi trường trong lành hơn.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem