Đến thăm mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của ông Huy tại thôn 2, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) chúng tôi ngỡ ngàng trước 50 cái bể được xây san sát.
Dưới những bể lát gạch men trắng là lươn dày đặc, những con lươn nhung nhúc dưới các tấm giá thể. Những người từng nuôi lươn cho rằng, cách nuôi này khá mới mẻ, đơn giản so với những gì họ đã biết với kiểu nuôi lươn có bùn.
Ông Huy cho biết, trong một lần đi tham quan miền Tây, ông vô tình thấy cách nuôi lươn kiểu này nên nhanh chóng triển khai tại nhà.
Ông xây những bể quy cách 10m2, ốp gạch men xung quanh. Bên trong, ông đặt những tấm giá thể bằng lưới nhựa để lươn chui rúc phù hợp với tập tính của chúng. Lúc đầu ông chỉ xây 10 bể, sau thấy lươn phát triển tốt, có thể bán quanh năm nên nâng dần lên 50 bể như hiện nay.
Mô hình nuôi lươn không bùn mang lại thu nhập cao cho ông Huy, nông dân nuôi lươn thành công ở thôn 2, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, (tỉnh Khánh Hòa).
Nguồn lươn giống được ông đặt mua tại một số cơ sở bán lươn giống ở miền Tây. Lươn giống nhỏ bằng cọng tăm, kích cỡ 1.000 - 1.500 con/kg, giá lươn giống là 3.000 đồng/con.
Ông cho biết, nuôi lươn khá đơn giản, giống lươn đã được thuần hóa nên quen với sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng cá tạp dễ gây ô nhiễm.
Hàng ngày, công nhân chỉ việc đưa thức ăn xuống bể cân đối theo trọng lượng, mật độ, độ tuổi của lươn. Quá trình nuôi lươn không bùn cần bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp lươn tăng trọng nhanh, khỏe, chống chịu bệnh tật… Hàng ngày, công nhân thay nước sạch và chà bể vệ sinh 2 lần.
Ông Huy cho rằng, nuôi lươn không bùn có độ hao hụt rất thấp, chỉ khoảng 2%. Nhưng để đạt được tỷ lệ này, người nuôi lươn phải giữ môi trường sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay kháng sinh.
Hiện nay, việc tiêu thụ lươn nuôi rất thuận lợi, lươn thương phẩm không đủ cung cấp cho thị trường, chủ yếu là các quán ăn, nhà hàng, điểm thức ăn dinh dưỡng ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Với cách nuôi lươn luân phiên, gối đầu, nhiều lứa, nhiều giai đoạn nên ông có lươn bán hàng ngày cho thị trường, bình quân sản lượng 100kg lươn/ngày.
Lươn thương phẩm có trọng lượng 250 - 300 - 400g/con, giá lươn thương phẩm bán 130.000 - 150.000 đồng/kg. Bình quân một bể 10m2 ông nuôi 2.500 - 3.000 con lươn, sau 12 tháng có thể thu 1 tấn lươn thương phẩm, tổng thu 130 triệu đồng, lãi ròng tối thiểu 30 triệu đồng. Với 50 bể nuôi lươn không bùn, 1 năm ông thu hơn 1,2 tỷ đồng.
Hỏi về định hướng phát triển, ông Huy cho biết sẽ phấn đấu xây dựng lươn thương phẩm của mình thành sản phẩm OCOP của xã Diên Phú, mở xưởng chế biến với những mặt hàng như: Lươn 1 nắng, lươn sấy khô…
Bên cạnh đó, ông Huy sẽ liên kết, hợp tác với các hội, đoàn thể phát triển phong trào nuôi lươn, thu mua sản phẩm lươn thương phẩm cho người dân, giúp lao động nông thôn có thu nhập…
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Phú (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, thành công của ông Huy trong đầu tư, phát triển mô hình nuôi lươn không bùn đã mở ra cơ hội để người dân học tập, làm theo.
Đây là mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng cho hiệu quả kinh tế cao, dễ làm, dễ thực hiện, đầu ra thuận lợi. Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các cấp, ngành tổ chức hội thảo, diễn đàn truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, giúp nông dân xóa nghèo, tăng thu nhập…