Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị điều chỉnh lại khoản 3, Điều 80 quy định dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội vì không đúng theo Luật Ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất nên thiết kế lại theo hướng, Nhà nước có trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhà ở xã hội. Ông này cho rằng, khi có hạ tầng, có đất sạch, chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch phê duyệt sẽ hợp lý hơn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện có 2 loại nhà ở xã hội: Nhà do nhà nước đầu tư hoặc từ nguồn vốn xã hội hóa (do doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư).
"Nếu gói do Nhà nước đầu tư phải phân cấp về tỉnh để UBND giao cho chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh phải quy định về giá bán, giá thuê nhà ở xã hội bởi đất xây dựng nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm ra phải quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội", ông Phớc nêu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích, nhà ở cho công nhân có 2 loại: nằm trong khu công nghiệp, sắp xếp cho công nhân của khu công nghiệp thuê để phục vụ cho hoạt động của nhà máy như thế mới đúng đối tượng.
Đối với loại nằm ngoài khu công nghiệp, khi xây nhà ở công nhân, nếu là đất do doanh nghiệp đấu giá được để làm theo quy hoạch, doanh nghiệp sẽ quyết định giá cho thuê. Nhưng nếu đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước quyết định giá để tạo điều kiện cho công nhân hưởng mức giá thấp nhất.
Ông Phớc băn khoăn khi Luật vẫn chưa quy định giá bán nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư sẽ do ai duyệt. Ông cho rằng, nếu đã là nhà ở xã hội, Nhà nước phải duyệt giá bởi doanh nghiệp đầu tư chỉ đầu tư vốn, còn đất lại do Nhà nước giao, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất mà còn giao đất sạch, đương nhiên việc khống chế mức giá tối đa do Nhà nước thực hiện. Có như vậy mới đưa ra mức giá phù hợp với đúng đối tượng được bán, thuê.
"Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, Nhà nước quy định giá bán và phải bán đúng giá. Đối với loại nhà ở thực hiện xây dựng từ nguồn xã hội hóa nhưng do doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước cũng phải duyệt giá", ông Phớc nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng cho rằng phải giao cho Chính phủ quy định UBND tỉnh ban hành phí bảo trì và quản lý Nhà ở xã hội. Nếu không có phí này, mỗi khu chung cư lại tự đặt một mức phí khác nhau rất khó quản lý, trong khi, khoản phí này do chính đối tượng ở nhà ở xã hội chi, là đối tượng yếu thế. Do đó cần phải quản lý, phải duyệt giá, không để chủ đầu tư tự nâng giá như thế nào cũng được", ông Phớc nói.
Cũng nêu ý kiến về Luật Nhà ở sửa đổi, đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Đại biểu Hà Nội) đặt câu hỏi "Có nên để cho các nhà đầu tư tự đi thỏa thuận mua đất, xong trở thành đất được quyền của mình?", ông Cường nêu: Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật có nhắc "Trong Nghị quyết 18 nên để cơ chế là tự thỏa thuận".
Đại biểu Cường cho rằng: Nếu để cơ chế tự thỏa thuận có nghĩa nhà đầu tư gom đất lại, tự được quyết định để chuyển, do đó ông cho rằng không nên thực hiện cơ chế này.
Theo ông Cường, để cơ chế thỏa thuận của doanh nghiệp với người dân, thực chất là gom đất sẽ sinh ra rất nhiều hệ lụy, nư người dân bán đất nông nghiệp nhưng nhà đầu tư sau mua được quyền chuyển thành đất ở, tạo ra chênh lệch giá trị.
"Nếu để người dân tự thỏa thuận thì không phải người dân nào cũng có khả năng thỏa thuận với nhà đầu tư, rất dễ bị dẫn dắt bởi nhóm cầm đầu làm việc riêng với chủ đầu tư, lợi ích người dân chưa chắc đã được đảm bảo", ông Cường nói.
Và "nếu thỏa thuận như thế sẽ làm nảy sinh tình trạng dự án này thỏa thuận như này, dự án khác thỏa thuận khác, nảy sinh ra sự bất bình đẳng giữa các khu vực, nơi giá cao giá thấp….". Đại biểu Cường khẳng định: Nhà nước đã nêu thu hồi là phải đền bù thỏa đáng, thì tất cả chuyện làm lợi ích công cộng, hay cho nhà kinh doanh cũng phải thỏa đáng.