Chẳng là, ngày 4/6 vừa qua, sau khi thăm mô hình vườn vải du lịch sinh thái tại huyện Lục Ngạn cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã quyết luôn việc mua nguyên một cây vải thiều của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), nằm trong mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật Bản.
Việc mua vải nguyên cây này, có nghĩa là cây vải đó đã thuộc sở hữu của Bộ trưởng và Bộ trưởng đợi đến khi vải chín thì thu hoạch quả hoặc có thể "bán" lại cho người khác, còn tất nhiên, sau khi thu xong quả, thì cây vải đó vẫn ở lại với hộ dân trồng cây vải đó. Việc mua vải, nhãn hay xoài nguyên cây đã có từ lâu, song việc trực tiếp một Bộ trưởng đặt mua và gắn biển vào mang nhiều ý nghĩa về mặt thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân.
Tôi vẫn còn nhớ, khi xảy ra dịch Covid-19 vào năm 2021, lúc đó đã xuất hiện nhiều "phong trào" kêu gọi giải cứu vải thiều, tôi được Bộ trưởng Lê Minh Hoan gọi lên để trao đổi, làm bài phỏng vấn. Ông bảo: Không thể dùng giải cứu được đâu Hân ơi! Tôi có trao đổi: Giờ nhiều người họ bảo thương nông dân, nên muốn chung tay giải cứu, mình bảo không cần giải cứu liệu có bị phản ứng không? Bộ trưởng Lê Minh Hoan bảo: Quả vải hay nông sản muốn có giá trị là phải nâng niu, phải tiêu thụ, người nông dân họ làm ra quả vải, quả nhãn là để bán, chứ không phải để thương hại, giải cứu, càng làm như thế càng làm mất giá trị nông sản.
Sau khi báo điện tử đăng bài phỏng vấn đó của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đã gọi điện cho Bộ trưởng và rất tâm đắc, đồng ý với quan điểm đó; tỉnh Bắc Giang cũng lập tức truyền đi thông điệp, Bắc Giang không cần giải cứu vải thiểu, mà triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều mang tính chất thương mại. Nhiều chuyến xe gắn biển "giải cứu vải thiều Bắc Giang" đã bị yêu cầu tháo biển. Mùa vải đó, Bắc Giang thắng lớn, thu gần 7.000 tỷ đồng mà không cần giải cứu.
Quay trở lại câu chuyện Bộ trưởng Lê Minh Hoan mua nguyên cây vải, trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn xác nhận, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt biển sở hữu một cây vải theo mô hình "Cây vải vườn tôi" tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Sơn nằm trong mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản, Mỹ, EU do ông Mến làm tổ trưởng.
"Tổ hợp tác sản xuất vải thiều hữu cơ thôn Đồng Giao có 9 hộ tham gia với diện tích trên 10ha, vườn vải nhà anh Nguyễn Văn Sơn có diện tích 1,3ha, nằm ở trung tâm, ven đường liên thôn, năm nay vườn nhà anh Sơn cũng rất được mùa, mã vải đẹp nên ai đến cũng thích. Không chỉ Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiều cán bộ tỉnh Bắc Giang cũng đã đến đặt mua cây của các thành viên trong tổ hợp tác của chúng tôi", ông Mến thông tin.
Từ câu chuyện trên, có thể nói rộng ra về vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay. Lâu nay, bài toán về "được mùa rớt giá" hay làm thế nào đó, bằng cách nào đó, như thế nào đó để tiêu thụ được nông sản cho bà con nông dân luôn là vấn đề "nhức đầu" và hầu như kỳ họp Quốc hội nào cũng nhắc tới vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế để biến cái "làm thế nào đó" thành "một cái gì đó" cụ thể, cần bắt đầu từ quan điểm chỉ đạo, nhận thức vấn đề của lãnh đạo địa phương.
Như tại Bắc Giang, việc tiêu thụ vải thiều đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh xác định không chỉ là việc của người dân, của ai trồng người đó bán, mà việc bán vải cũng là việc của lãnh đạo từ tỉnh tới cấp thôn, xã. Còn ở trên trung ương, như đã nói ở trên, trực tiếp đồng chí Bộ trưởng về không chỉ thăm, mà còn có hành động thực tế đó là mua nguyên cây vải của một hộ dân.
Bằng những chủ trương cả về chiến lược lâu dài, lẫn những hành động cụ thể, nên liên tục nhiều năm nay, việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang chưa bao giờ gặp khó, dù đây là một cây trồng rất đặc thù do chín rộ cùng vào một thời điểm, lãnh đạo tỉnh cũng chưa một lần kêu khó nọ, khó kia ngay cả trong những tình huống cam go nhất là dịch Covid-19 năm 2021. Thay vì kêu, lãnh đạo tỉnh, rồi trực tiếp đồng chí Bộ trưởng liên tục có các giải pháp, hành động để bán vải cho dân, nên ở Bắc Giang, câu chuyện chỉ là "được mùa, được giá", chứ không phải là "được mùa, rớt giá".
Nói như vậy để thấy, từ bài học kinh nghiệm trong việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang cho thấy, ở nơi nào lãnh đạo địa phương sâu sát, coi việc của nông dân cũng như việc của chính mình, thay vì kêu khó thì hành động, thì vấn đề "được mùa rớt giá' không chiếm mất quá nhiều thời gian của nghị trường; đặc biệt mang lại hiệu quả, lợi nhuận cho người nông dân để cho mỗi mùa vải, mùa nhãn, mùa xoài là mùa vui của người nông dân thay vì những giọt mồ hôi, nước mắt vì nông sản rớt giá.