Dân Việt

Hà Nội: Thức canh từ 2 giờ sáng, người dân xã Cự Khê vẫn không đủ nước sinh hoạt

Phi Long 07/06/2023 13:24 GMT+7
Nhiều người dân ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội phải túc trực từ 2 đến 3 giờ sáng để mở nước vào bể, thau, chậu mà vẫn không đủ nước dùng.

Người dân xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt

Phải xin nước dội vệ sinh

Chỉ vào vòi nước đang nhỏ giọt, bà H.T.T ở thôn Mỹ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Tp. Hà Nội cho biết: "Tình trạng mất nước xảy ra từ Tết Nguyên đán đến giờ. Khi phản ánh thì công ty nước bảo đường ống hỏng. Đi vệ sinh còn không có nước dùng thì ai chịu nổi. Cán bộ về thôn, người dân cũng thắc mắc nhưng chỉ bảo làm đơn ra xã. Chúng tôi kiến nghị là phải giải quyết cho dân có nước sinh hoạt để dùng, chứ ở Thủ đô mà khổ thế này".

Hà Nội: Nhiều người dân xã Cự Khê bức xúc vì không đủ nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Thiếu nước sinh hoạt, nhiều người dân ở thôn Mỹ, xã Cự Khê phải khắc phục dùng nước giếng khoan. Ảnh: Phi Long.

Tương tự như bà H.T.T, ông T.M.S kinh doanh thêm dịch vụ rửa xe máy cho biết, gia đình ông cũng may vẫn còn giữ lại giếng khoan, nên hàng ngày bà con vẫn sang xin nước về để dội vào nhà vệ sinh. "Nước máy thì nhà nào có bể ngầm còn hứng cho chảy vào kiểu nhỏ giọt chứ bơm thẳng vào đường ống cũng không hút được nước".

Bà N.T.H cũng ở cùng thôn Mỹ thì bức xúc: "Cứ có một hôm thì mất 2 hôm, nhà nào mà không chuẩn bị sẵn bể ngầm tích trữ thì cũng không có nước để đi vệ sinh. Ngày nào cũng sang hàng xóm đề xin thì rất bất tiện".

Không chỉ bức xúc về áp lực nước quá yếu, nhiều người dân còn phản ánh phải nộp từ 2 đến 4 triệu, có hộ còn phải nộp 5 triệu đồng thì mới được lắp đồng hồ nước.

Ông Lê Gia Thuý, Trưởng thôn Mỹ xã Cự Khê cho biết: Năm 2016 xã có thông báo thực hiện kế hoạch mở rộng vùng cấp nước sinh hoạt, trong đó Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát (Công ty Nhất Phát) sẽ là đơn vị lắp đặt và cung cấp nước cho người dân ở các thôn Thượng, Mỹ, Cầu, Hạ của xã Cự Khê.

"Để lắp đặt đường ống nước, ban đầu Công ty Nhất Phát thông báo mỗi hộ dân phải nộp 2 triệu, trong đó 1 triệu sẽ được trừ dần vào tiền nước sau khi sử dụng. Tuy nhiên, tới nay cũng chưa thấy trừ vào tiền nước như lời hứa của doanh nghiệp. Sau này, có nhiều hộ phản ánh phải nộp 3 triệu, có hộ 4 triệu thậm chí 5 triệu lắp đồng hồ chứ không còn 2 triệu như trước", ông Thuý nói.

Ông Thuý cũng cho biết, nước rất chập chờn, mất nước đột xuất không có kế hoạch, không thông báo, muốn bơm trực tiếp cũng không đủ nước. Do nước chập chờn, áp lực nước quá yếu nên cư dân bức lại càng bức xúc khoản phải nộp tiền lắp đồng hồ nước.

"Người dân cũng có so sánh, đối với điện lực thì lắp tới tận công tơ nhưng nước khi kéo đến công tơ lại phải nộp một khoản tiền. Trong khi, điện mà có phập phù thì gọi cái là cán bộ của điện lực có mặt ngay còn nước thì gọi cũng không thấy đâu. Từ đó, nhiều người dân bức xúc và có thắc mắc mỗi khi tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa thấy có cải thiện", ông Thuý cho biết.

Đại diện Trưởng thôn Thượng xác nhận, do ở đầu nguồn nên nước cơ bản ổn định trong khi thôn Hạ và thôn Mỹ là ở cuối nguồn nên trưởng thôn Hạ là ông Hiệp cũng xác nhận tình trạng nước rất yếu và thường xuyên mất nước.

Cũng như ông Thuý, khi chúng tôi khảo sát các thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Cầu, nhiều người dân đều mong muốn cơ quan chức năng giải thích rõ cho người dân có chủ trương thu tiền lắp tới đồng hồ nước không và cụ thể là bao nhiêu tiền? Nếu không có chủ trương thì việc doanh nghiệp thu tiền của người dân có đúng quy định không?

Doanh nghiệp nói gì?

Ngày 6/6, trao đổi với Dân Việt, ông Trịnh Hồng Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát lý giải: Việc áp lực nước yếu ở một số hộ dân ở cuối nguồn là có, nhưng do đường ống xa nên áp lực nước không đảm bảo. Ngoài ra, thời gian gần đây thiếu nước và do mất điện luận phiên nên khó cung cấp đủ nước cho người dân.

Hà Nội: Nhiều người dân xã Cự Khê bức xúc vì không đủ nước sinh hoạt - Ảnh 3.

Ông Trịnh Hồng Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát cho biết, trạm nước sạch có khoảng cách khoảng 5 đến 6km mới tới nơi cấp nước cho dân. Ảnh: Phi Long

"Doanh nghiệp đã phải mua thêm nước của bên sông Đuống với chi phí khoảng 70 đến 80 triệu đồng tiền nước mỗi tháng để cấp cho dân, nhưng bản thân bên sông Đuống cũng có thời điểm không đủ nước để bán cho chúng tôi", ông Kiên cho biết.

Theo ông Kiên, thời gian gần đây bên điện lực cũng thông báo cứ 3 ngày cắt giảm tải 1 lần nên việc bơm nước cấp cho dân cũng gặp khó khăn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, thắc mắc của người dân là nước rất yếu từ Tết Nguyên đán đến nay, chứ không phải gần đây, ông Kiên cho biết, những hộ ở cuối nguồn cũng cần phải có bể ngầm để tích nước thì mới đủ nước dùng.

Ngày 26/5, chúng tôi cũng đã đặt lịch làm việc và gửi câu hỏi thắc mắc của người dân chuyển tới lãnh đạo UBND xã Cự Khê. Sau đó, chúng tôi cũng nhiều lần liên lạc với ông Đặng Anh Phương – Chủ tịch UBND xã Cự Khê nhưng ông Phương đều lý do bận và hướng dẫn phóng viên gặp doanh nghiệp để có câu trả lời. Ông Phương cho biết, thời điểm này cán bộ của xã đều bận chưa bố trí được thời gian. Chúng tôi cũng đề nghị ông Phương cho cán bộ trả lời bằng văn bản những câu hỏi phóng viên đã gửi nhưng ông Phương cũng lấy lý do chưa trả lời.

Liên quan tới thắc mắc của người dân về khoản thu 2 triệu đồng lắp đường nước tới đồng hồ và có hộ lại thu 3 đến 4 triệu đồng, thậm chí 5 triệu đồng, ông Kiên giải thích: Ban đầu, trạm cấp nước là của Sở Khoa học công nghệ Hà Nội, đến năm 2016-2017, doanh nghiệp mới tiếp quản và thực hiện dự án mở rộng cấp nước cho gần 3.000 hộ dân. "Ban đầu, khi triển khai dự án, doanh nghiệp cũng có thoả thuận với người dân cùng bỏ tiền đầu tư đường ống là 2 triệu đồng/1 hộ. Hiện tại, các hộ phải kéo đường ống sau này thì chi phí phát sinh nên doanh nghiệp có thoả thuận 3 triệu, có hộ 4 triệu, cá biệt có hộ 5 triệu do đường ống phải kéo xa", ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, số tiền 2 triệu ban đầu, doanh nghiệp chưa tính 1 triệu trừ vào tiền nước như cam kết với người dân là do dự án đến nay vẫn chưa quyết toán được. Còn các hộ phát sinh sau này thì mỗi thôn có khoảng 20 hộ.

Ông Kiên cũng cho biết, dự án còn có trạm cung cấp nước ở thôn Thượng nhưng khi UBND xã Cự Khê giải phóng mặt bằng để giao cho doanh nghiệp thực hiện thì bị người dân phản đối, nên tới nay vẫn chưa triển khai xong. Do đó, vẫn chưa thể quyết toán.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, việc thu tiền của người dân để lắp đường ống và đồng hồ nước có hoá đơn chứng từ không, ông Kiên cho biết: Nếu các hộ dân có yêu cầu thì doanh nghiệp cũng có viết phiếu thu. Vì đây là khoản tiền thoả thuận của doanh nghiệp với người dân. Tuy nhiên, ông Kiên cũng thừa nhận chỉ trao đổi chứ không có văn bản thoả thuận.

Căn cứ điểm d, khoản 2, Điều 55, Nghị định 117/2007NĐ-CP của Chính phủ về quyền và nghĩa vụ của đơn vị cấp nước như sau:

2. Đơn vị cấp nước có các nghĩa vụ sau:

a) Tuân thủ các quy trình, quy phạm vận hành hệ thống cấp nước;

b) Xử lý sự cố, khôi phục việc cấp nước;

c) Thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường;

d) Đầu tư lắp đặt đường ống đến điểm đấu nối bao gồm cả đồng hồ nước cho khách hàng sử dụng nước trừ trường hợp có các thoả thuận khác;

đ) Bảo vệ an toàn nguồn cấp nước, xây dựng đới phòng hộ vệ sinh khu vực lấy nước, hệ thống công trình cấp nước theo quy định;

e) Bảo đảm cung cấp dịch vụ cấp nước cho khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ theo quy định;

g) Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và định kỳ theo quy định tới chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương và trung ương;

h) Bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật;

i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc lắp đặt và chi phí lắp đặt đồng hồ nước sạch, đường ống đến điểm đấu nối do đơn vị cấp nước đầu tư, khách hàng sử dụng nước sạch không phải trả tiền cho khoản này.