Về sau, Phạm Ngũ Lão được tín nhiệm, làm đến chức Điện súy, tước Quan Nội Hầu. Ngũ Lão là người được ân sủng lớn, lại được Hưng Đạo Đại Vương gả con gái cho.
Phạm Ngũ Lão có huân công rực rỡ trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Trải mấy đời vua sau đó, ông còn làm tướng đem quân đánh dẹp ở phương Nam và Ai Lao (Lào), lần nào cũng chiến thắng vẻ vang.
Con cháu Phạm Ngũ Lão nối đời làm tướng. Cuối đời Trần, người con trai thứ 5 của Phạm Ngũ Lão là Phạm Nhữ Dực lại làm tướng tiên phong chinh phạt Chiêm Thành. Sau chiến thắng, Phạm Nhữ Dực tiếp tục trấn thủ ở vùng đất này.
Tranh vẽ chân dung danh tướng Phạm Ngũ Lão. Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Đến đời vua Lê Thánh Tông, Phạm Ngũ Lão còn có một người chắt đích tôn làm tướng tiên phong, dẫn quân tiến đánh thành Đồ Bàn, kinh đô của Chiêm Thành, rồi lại làm quan trấn thủ ở đây.
Chiêm Thành bị diệt vong, vị tướng tiên phong dòng dõi Phạm Ngũ Lão định cư ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, lập ra chi phái họ Phạm ở đây đến nay. Đền thờ tiên tổ vẫn còn, đầy đủ sắc phong từ thời vua Lê Thánh Tông.
THUẬT HOÀI
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
Dịch nghĩa:
THUẬT NỖI LÒNG
Cầm ngang ngọn giáo trấn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng át cả sao Ngưu.
Nam nhi chưa trả xong nợ công danh,
Thật lấy làm thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu.
Dịch thơ:
Cầm ngang giáo, giữ non sông
Át sao Ngưu, khí ba quân ngất trời.
Công danh nam tử thẹn lời,
Luống nghe Gia Cát giúp đời Hán xưa!
(Vũ Bình Lục dịch)
Bài thơ chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt, chúng tôi chuyển ngữ ra thơ lục bát truyền thống của người Việt, câu đầu đành bỏ qua cái ý trải mấy thu (cáp kỷ thu), nhưng trộm nghĩ cũng không phương hại nhiều lắm tới nội dung của nguyên tác.
Cầm ngang ngọn giáo trấn giữ non sông trải đã mấy thu (Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu). Câu đầu hay ở chữ Hoành sóc, tức “Cầm ngang ngọn giáo”. Hình dung như thấy hiện lên hình ảnh người chiến binh mặc áo giáp, đội mũ trụ, hai tay cầm ngang ngọn giáo dài, chân hơi xoãi ra ở thế đứng tấn, vững chãi, hiên ngang giữa đất trời, bảo về núi sông bờ cõi nước nhà.
Chẳng phải một đôi lần, mà đã “trải qua mấy thu”, tức mấy năm rồi, vẫn sừng sững như thế (cáp kỷ thu). Đây chính là hình ảnh của tác giả, vị tướng lẫm liệt Phạm Ngũ Lão, nhưng cũng chính là hình tượng người lính thời Trần, như tạc vào trời xanh tầm vóc người chiến binh mang tầm vóc của non sông Đại Việt và hơn thế, tầm vóc vũ trụ.
Thế nên, “Hoành sóc” dịch ra thành “Múa giáo”, vừa không sát ý, lại e rằng mất đi cái tư thế lẫm liệt của hình tượng người chiến binh.
Cảnh Phạm Ngũ Lão mải mê đan sọt không hay biết nhà vua đang đến.
Câu hai, thừa tiếp ý câu đầu, nói về sức mạnh của ba quân, tức sức mạnh của quân dân thời Trần đánh giặc Nguyên Mông: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”.
Tam quân, (Tiền quân, Trung quân và Hậu quân), chỉ chung quân đội của nhà Trần, tướng sĩ một lòng như cha con (phụ tử), vì thế mà tạo nên sức mạnh lớn lao, dũng mãnh như hổ báo (Tì hổ). Sức mạnh ấy có thể át cả sao Ngưu (khí thôn ngưu).
Có bản dịch “Khí thôn ngưu” là “Nuốt trôi trâu”. Tôi ngờ rằng, “Nuốt trôi trâu” tuy rằng cũng thể hiện sức mạnh ghê gớm, nhưng chưa tương xứng với tầm vóc của cả một đội quân thiện chiến hùng hậu và dũng mãnh như quân đội Đại Việt ở triều Trần.
Phải là “Khí thế ba quân mạnh mẽ như hổ báo, có thế át cả sao Ngưu, nuốt cả sao Ngưu”. Như thế là hình ảnh người lính cụ thể, đã được nâng cấp lên thành biểu tượng hiên ngang bất khuất sánh ngang với tầm vóc của đất nước, đồng thời, hình ảnh đất nước cũng sánh ngang với tầm vóc vũ trụ.
Đó mới chính là sự liên thông, liên kết hợp lưu và thống nhất các hình ảnh, hình tượng thơ trong một chỉnh thể nghệ thuật, thể hiện hào khí anh hùng của cả một thời đại vẻ vang. Hai câu thơ đầu cho thấy niềm tự hào của tác giả về sức mạnh của quân đội mình, của dân tộc mình đã dâng lên đến đỉnh điểm.
Hai câu cuối của bài thơ, âm điệu lại dường như chùng xuống, thể hiện những suy tư trăn trở.
Nam nhi chưa trả xong nợ công danh
Thật lấy làm thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu.
(Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu).
"Nam nhi", nam tử, tức người con trai. Quan niệm của người xưa, người trai sinh ra ở đời, phải có chí lớn. “Làm trai sống ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Đương nhiên, chữ "Danh" ở đây phải được hiểu là “công danh”, nghĩa là cái “danh lớn”, chính danh, trước hết là phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, chứ không phải là chút danh mọn của kẻ tiểu nhân cơ hội bẩn thỉu.
Với tác giả bài thơ này, người nam tử chưa trả xong nợ công danh, tức chưa trả xong món nợ với đất nước. Nghĩa vụ và trách nhiệm của đấng nam nhi sinh ra ở đời là phải trả món nợ với non sông. Thế nghĩa là "Công" (công trạng) "Danh" (danh tiếng), công trạng và tiếng thơm, là món nợ phải trả.
Nhưng ở đây là “Nam nhi vị liễu công danh trái”, tức chưa trả xong món nợ lớn kia với non sông đất nước, thì đó vừa là nhận thức cao cả, vừa là tình cảm sâu đằm về trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của người quân tử chính danh, theo quan niệm tích cực của Nho giáo.
Điều này cho thấy, Phạm Ngũ Lão mặc dù xuất thân nông dân nghèo hèn, đẳng cấp thấp, nhưng từ khi được làm tì tướng thân tín của Hưng Đạo Đại Vương, ông đã được tu tập thêm về văn hóa, tài năng có cơ hội được phát huy rực rỡ, trở thành một thi sĩ đích thực.
Câu thứ 3 bắc cầu cho câu thứ 4: "Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu" (Thật lấy làm thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu).
Vậy "Vũ Hầu" là ai, công danh sự nghiệp thế nào mà tác giả phải lấy làm thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện về ông? Chẳng phải là Gia Cát Lượng, tức Khổng Minh đời Tam Quốc bên Tàu đấy ư? Từ lều tranh, Khổng Minh được Lưu Bị, một hậu duệ của nhà Hán mời ra giúp làm quân sư. Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán (Thục Hán), được phong Vũ Lượng Hầu, người đời quen gọi Khổng Minh là Gia Cát Vũ Hầu. Đó là một nhân vật kiệt xuất trong sử sách bên Tàu.
Người nam nhi có chí lớn, ai mà chẳng mong muốn mình lập được công danh như thế? Nam nhi như Phạm Ngũ Lão, mặc dù theo Hưng Đạo Vương kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược đã nhiều năm, cũng đã từng lập nên công danh lớn, nhưng vẫn thấy hổ thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu. Đó chính là một sự thẹn thùng có liêm sỉ, của một nhân cách lớn, một ý chí lớn, một khát vọng lớn, muốn vươn tới đỉnh cao của người quân tử chính danh.
Thơ ca của ông cha ta ở thời Trung đại, cũng thấy thể hiện không ít chữ “thẹn thùng”, ví như Chu Văn An, ví như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, rồi cả Nguyễn Khuyến chẳng hạn…
"Thẹn thùng" được thể hiện như một uyển ngữ, vừa là tâm trạng, vừa là thái độ và trong đó, ngầm chuyển tải thông điệp về ý chí của con người cá nhân ở những cấp độ và màu sắc khác nhau, có thể tạo ra những cung bậc cảm xúc rất giầu nội hàm.
"Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão có thể xem là một trong những bài thơ đặc sắc của thơ văn đời Lý - Trần, hừng hực hào khí Đông A, hào khí Đại Việt.
Ở đây, con người cá thể đã trở thành con người mang tính biểu tượng của thời đại, của đất nước, mang tầm vóc vũ trụ kỳ vĩ. Đó là một sự hòa điệu của tâm hồn và ý chí của cả một dân tộc ở thời điểm sáng chói của lịch sử.
Văn chương có thể làm cho con người lớn hơn, có thể góp phần làm cho đất nước lớn hơn và bất diệt. "Thuật hoài" là một bài thơ rất ngắn, nhưng tình điệu thì rất dài, chắc sẽ truyền mãi đến muôn sau!...