Bà Hồng cho biết, Silicon Valley Bank (SVB) và First Republic Bank là hai ngân hàng của Mỹ có tổng tài sản hơn 200 tỷ USD, có nợ xấu rất thấp chỉ dưới 1%, số dự phòng rủi ro so với nợ xấu gấp 4,6-6 lần, là các ngân hàng có lãi rất cao từ 2010 đến nay, nhưng họ vẫn bị rủi ro rút tiền hàng loạt. Chỉ trong vài ngày họ đã bị rút hơn 100 tỷ USD dẫn đến sụp đổ.
Trước sự cố này, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã phải cho vay hơn 100 tỷ USD và các ngân hàng khác ở Mỹ cũng phải cho vay vài chục tỷ USD đối với hai ngân hàng này.
"Thực tế tại Mỹ, không phải khi rủi ro mới hỗ trợ mà ngay khi khó khăn thanh khoản họ cũng đã hỗ trợ. Ngân hàng bình thường nếu bị rủi ro nào đó vẫn được đưa vào đối tượng cần can thiệp sớm. Còn khi chờ đến lúc tổ chức tín dụng rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt đã là giai đoạn rất khó khăn rồi, khi đó nhà nước mới thực hiện giải pháp hỗ trợ, thì khó đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng", bà Hồng nói.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nay bảo hiểm tiền gửi của chúng ta chỉ áp dụng đối với ngân hàng phá sản thôi, nhưng kinh nghiệm quốc tế chúng ta thấy được rõ ràng một số ngân hàng của Mỹ đổ vỡ vừa qua, thì các cơ quan bảo hiểm ngân hàng của Mỹ đã hỗ trợ và Ngân hàng Trung ương Mỹ sớm vào cuộc.
Bà Hồng cho rằng, trong thực tiễn khi một ngân hàng bị rút vốn hàng loạt ảnh hưởng đến thanh khoản và rủi ro an toàn vốn, bản thân ngân hàng khác cũng có thể cho vay đối với ngân hàng để để đảm bảo thanh khoản.
Tuy nhiên, hiện do quy định pháp luật của chúng ta chưa quy định và cho phép nên họ không dám cho vay. Bà Hồng nhấn mạnh: Việc Ngân hàng Nhà nước đưa vấn đề can thiệp sớm đối với các tổ chức tín dụng trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này nhằm huy động vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ nhau khi khó khăn.
Theo Thống đốc, với một tổ chức tín dụng được cấp phép trong quá trình hoạt động có thể gặp khó khăn, trong thanh tra, giám sát cơ quan quản lý sẽ cảnh báo để can thiệp kịp thời. Còn nếu tổ chức đó có rủi ro lớn hơn như mất khả năng chi trả cho người dân, thì mức độ quản lý, can thiệp của cơ quan quản lý sẽ sớm hơn, mạnh hơn.
Bà Hồng cho rằng, để hạn chế trường hợp ngân hàng rơi vào rủi ro, mất thanh khoản, trách nhiệm ban đầu là cổ đông, họ giám sát và nhận ra các vấn đề và phải đưa ra các biện pháp khắc phúc, đề xuất hỗ trợ.
Theo bà Hồng, dù luật hiện hành có quy định hỗ trợ, nhưng chưa nói biện pháp nên khó can thiệp sớm. Dự thảo lần này có đưa ra vấn đề can thiệp sớm ngân hàng khó khăn nhưng quan điểm là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước là cứu cánh cuối cùng, còn bước đầu vẫn phải là từ phía bản thân ngân hàng, cùng huy động biện pháp hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng hợp tác xã…
Liên quan đến quy định điều chỉnh giảm giới hạn sở hữu cổ đông, cấp tín dụng với khách hàng và với người có liên quan, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết dự thảo luật được thiết kế như vậy mục đích là hạn chế sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, đây là yêu cầu của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Thống đốc Hồng: Khái niệm "người liên quan", dự thảo luật đã mở rộng phạm vi so với Luật Doanh nghiệp. Tại Luật Doanh nghiệp có điều khoản cho rằng, tuỳ theo tính chất đặc thù, các lĩnh vực khác sẽ có quy định "người liên quan". Với ngành ngân hàng, với tính chất đặc thù liên quan đến tiền, dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng theo hướng này.
Về việc đại biểu băn khoăn về các quy định của dự luật này có khắc phục triệt để vấn đề sở hữu chéo hay chưa, bà Hồng cho rằng: Quy định nhưng đi đôi với nó là phải hiệu quả thực hiện.
"Quy định này chỉ hạn chế thôi còn để triệt để chấm dứt tình trạng này cần nhiều công cụ, giải pháp của nhiều cơ quan khác nhau", Thống đốc nói. Bà Hồng lấy ví dụ: Pháp luật ngày càng quy định phải minh bạch các giao dịch, dữ liệu giao dịch cổ phần, giao dịch của doanh nghiệp, sự phối hợp giữa Bộ ngành sẽ minh bạch được các giao dịch.
"Nếu thực hiện đúng các quy định của dự luật cũng hạn chế được rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, còn triệt để phải giải pháp đồng bộ nữa", bà Hồng nói.
Về quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (quy định hiện tại là 25%), nhiều đại biểu băn khoăn việc giảm tín dụng của khách hàng, người liên quan có làm giảm tín dụng cho nền kinh tế, khó khăn cho doanh nghiệp?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thực tế doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vốn phụ thuộc lớn vào ngân hàng lớn và điều này đã được các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo. Nếu nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào ngân hàng sẽ rất rủi ro.
"Bất cứ khi nào kinh tế thế giới và trong nước có biến động phức tạp sẽ ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến ngân hàng. Khi ngân hàng ảnh hưởng, domino sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đồng bộ cung ứng vốn cho nền kinh tế, rất cần sự phát triển của thị trường chứng khoán, trái phiếu, hiện Chính phủ cũng đang có hướng phát triển", bà Hồng cho hay.
Theo Thống đốc Ngân hàng, để khắc phục quy định giảm tỷ lệ vốn cho khách hàng, người liên quan xuống bằng quy định khách hàng vay vốn không được vượt 15% vốn tự có của ngân hàng, Việt Nam vẫn có cơ chế các tổ chức tín dụng đồng tài trợ với nhau.
"Một ngân hàng cho vay vốn cho khách hàng rủi ro lớn, thì mức độ rủi ro sẽ rất lớn, vì vậy việc đồng tài trợ vốn sẽ chia rủi ro đối với ngân hàng, thì nếu có vấn đề rủi ro, ngân hàng sẽ chia sẻ rủi ro với nhau. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được, vẫn có cơ chế Thủ tướng quyết định, ở đây các cơ quan quản lý sẽ cùng đánh giá nhu cầu của tập đoàn lớn vẫn có cơ chế để Thủ tướng quyết định, còn nếu để như hiện hành, nhu cầu vốn tăng cao, vốn điều lệ tăng cao, có thể sẽ tiềm ẩn rủi ro", bà Hồng nhấn mạnh.
Bà Hồng cam kết sẽ rà soát để quy định này không ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp ở ngân hàng.
Với một tổ chức tín dụng được cấp phép trong quá trình hoạt động có thể gặp khó khăn, trong thanh tra, giám sát cơ quan quản lý sẽ cảnh báo để can thiệp kịp thời. Còn với rủi ro lớn hơn là mất khả năng chi trả cho người dân, thì mức độ quản lý, can thiệp sớm sẽ mạnh hơn.
Trách nhiệm sớm nhất là của cổ đông ngân hàng để có phương án khắc phục khó khăn, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ. Luật hiện hành có quy định hỗ trợ, nhưng chưa nói biện pháp nên khó, dự thảo lần này có đưa ra vấn đề can thiệp sớm ngân hàng khó khăn nhưng hỗ trợ từ NHNN là người cứu cánh cuối cùng, nhưng cũng huy động các tổ chức khác như bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng hợp tác xã…