Chưa bao giờ thấy ở chung cư khổ đến thế!
Những ngày qua, cư dân tại một số chung cư quận Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm luôn trong trạng thái thấp thỏm sẽ bị cắt điện. Trong tuần đầu tháng 6, trong thành phố có khoảng 200 khu vực và hàng chục chung cư bị mất điện. Số giờ cắt điện có nơi lên tới 10 tiếng/ngày.
Chị Lý Phương (35 tuổi, Hà Đông) cho biết: "Nhà ở chung cư nên nếu mất điện sẽ vô cùng bất tiện. Máy phát điện cũng chỉ có thể dùng để vận hành thang máy, nhà tôi ở trên cao, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời khiến tường nhà nóng ran.
Mặc dù cửa sổ cũng để đủ các loại cây xanh, rồi rèm cửa để tránh nắng nhưng cũng không ăn thua. Chưa bao giờ tôi thấy ở nhà chung cư lại khổ đến thế".
Cắt điện luân phiên, cắt điện đột ngột, cắt điện sớm hoặc muộn hơn so với thông báo đã khiến nhiều người dân lâm cảnh dở khóc dở cười. Thông thường trước giờ cắt điện, ban quản lý sẽ thông báo cho cư dân nắm được qua hệ thống loa phát thanh.
Tuy nhiên nhiều người không nghe được nên đã có trường hợp bị kẹt trong thang máy, phải chờ máy phát điện mới ra ngoài được.
Lo sợ chung cư mất điện, người dân không dám mua nhiều đồ ăn trữ tủ bởi sợ đồ bị hỏng. Nhiều người đổ xô đi mua quạt tích điện, sạc dự phòng, đèn pin,… tất cả đều được trang bị, sẵn sàng đối phó mỗi khi cắt điện. Một số gia đình ở tầng thấp thì mua thêm chiếu, hễ mất điện thì cả gia đình đưa nhau xuống sảnh chung cư nằm ngủ.
Cũng ở tại một căn chung cư quận Hà Đông, anh Lưu Nghĩa (27 tuổi) gặp đủ chuyện oái oăm khi tòa nhà mất điện. "Mấy hôm trước mất điện, đồ ăn trong tủ lạnh hỏng hết, tôi phải đi mua thùng đá giữ nhiệt về để bỏ đồ ăn vào. Tôi còn định rút bỏ tủ lạnh, để đồ ăn nhờ ở nhà người khác''.
Đến chiếc quạt tích điện của nhà anh Nghĩa đã nhiều năm không sử dụng, nay cũng được gia chủ lôi ra lau sạch, nạp đầy điện, dù vậy cũng chỉ dùng được vài tiếng.
Anh có kiến nghị với Ban quản lý chạy máy phát điện, nhưng Ban quản lý cho biết lượng điện không đủ để cung cấp cho các phòng, chỉ đủ phát điện hành lang và thang máy.
Muôn kiểu "di cư" tránh nóng của dân chung cư
Không chỉ gặp khó khăn khi chung cư mất điện, nhiều người dân còn bày tỏ sự lo lắng trước thông tin lượng điện hiện nay chỉ duy trì được 1 – 2 tuần. Cũng từ đây, muôn kiểu "di cư" tránh nóng của người dân ra đời. Anh Hà Đức (42 tuổi, Hoàng Mai) chia sẻ: "Lo sợ tình trạng mất điện tái diễn, gia đình chúng tôi đã chuẩn bị sẵn đồ, chỉ chờ mất điện là chạy sang nhà người quen".
Trong túi đồ "di cư" của gia đình anh Đức, có vài bộ quần áo cho trẻ con, đồ vệ sinh cá nhân và những cục sạc dự phòng. Thậm chí, bộ đồ đi làm cũng được anh gấp gọn trong túi: "Cứ sẵn túi đồ này, nếu mất điện tôi sẽ chở con sang nhà người quen ở Thanh Xuân, chờ có điện rồi về. Nếu hôm nào mất điện vào buổi tối thì tôi sẽ mang theo đồ công sở để sáng mai từ nhà người quen đi làm luôn".
Thời tiết nóng bức khiến lượng tiêu thụ điện tăng lên đáng kể, thời điểm thiếu điện lại là thời gian học sinh nghỉ hè. Tòa nhà mất điện, chỉ còn điện hành lang nên các con thường tụ tập chơi với nhau.
Nhưng sau đó vì không có quạt, các con chơi xong nóng lại tắm khuya rất nguy hiểm. Sợ con bị nóng, nhiều gia đình đã nhanh chóng đưa con trẻ về quê, còn bố mẹ tiếp tục quay về Thủ đô làm việc.
"Mọi năm, vào hè tôi sẽ cho con đi chơi, nghỉ ngơi tại nhà bởi chặng đường về quê khá xa xôi. Riêng năm nay, tôi phải đưa cháu về quê sớm, kẻo mấy hôm nữa thiếu điện, các con lại phải chịu cảnh nóng bức", chị Lộc (30 tuổi, Hà Đông) chia sẻ.
Gửi con sang nhà người quen, đưa con về quê hay đưa đến trung tâm thương mại là những kế sách "sơ tán" tạm thời mà người dân ở chung cư tại Hà Nội nghĩ đến. Độc lạ hơn, có hẳn những hội nhóm trên mạng xã hội được tạo ra để người dân giúp đỡ nhau khi mất điện. Có người không ngần ngại đăng tải dòng trạng thái: "Cuối cùng thì chỗ nào cũng mất điện thôi, nhà ai có điện không cho mình di cư với".
Sau những lần bị cắt điện, người dân chung cư Hà Nội đã sẵn sàng "chuẩn bị cho mọi tình huống". Cùng với đó, các hộ dân cũng hạn chế sử dụng thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm, điều hòa chỉ bật ở mức 27 độ, tủ lạnh cài đặt mức trung bình.