Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Chương trình MTQG của tỉnh Bắc Kạn. Nội dung này đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai nhằm đảm bảo tiến độ và đạt được hiệu quả cao trong xây dựng nông thôn mới.
Tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng (xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông) trước nay đi lại khó khăn, dốc cao, trơn trượt, không ít người dân đã bị ngã khi di chuyển trên tuyến đường. Đó là sự ngăn trở lớn đối với người dân thôn đặc biệt khó khăn này. Năm 2022 bằng nguồn vốn Chương trình MTQG và cân đối ngân sách huyện Bạch Thông đã triển khai xây dựng tuyến đường liên thôn chiều dài 3 km.
Tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) được đầu tư xây dựng. Ảnh: Thu Trang
Bà Triệu Thị Pham, thôn Thôm Ưng chia sẻ: "Con đường bao năm đi lại khó khăn, vất vả mà trời mưa không thể đi lại được, bà con buôn bán cũng khó khăn thế nên việc xây dựng tuyến đường đã giúp bà con trong thôn có điều kiện phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa".
Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh, Đặng Quyết Chiến cho biết, theo lộ trình đến cuối năm 2024, Mỹ Thanh sẽ về đích nông thôn mới nên cần rất nhiều nguồn lực. Vì vậy, nguồn vốn từ Chương trình MTQG đóng vai trò quan trọng giúp địa phương tăng cường kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân.
Những ngày này, nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông theo Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, sẽ có thêm những cây cầu kiên cố, nhiều con đường bê tông liên thôn, liên xã và đường nội đồng được làm mới, nâng cấp và sửa chữa. Đây là "chìa khóa" để phát triển, nâng cao đời sống người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đường nông thôn tại xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho giao thương đi lại của Nhân dân. Ảnh: Hương Lan
Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn chia sẻ: Khó khăn lớn trong xây dựng nông thôn mới của huyện là nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, giao thông còn thiếu; thứ hai là đời sống kinh tế Nhân dân trong huyện chưa đồng đều, mức thu nhập theo quy định nông thôn mới chưa đạt.
Vì vậy, huyện Chợ Đồn đã và đang khắc phục khó khăn, quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên các nguồn lực, trọng tâm là lồng ghép nguồn vốn xây dựng nông thôn mới với nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình đề ra.
Để có được kết quả đáng ghi nhận như hôm nay, Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn đã rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trước hết đó là làm tốt công tác định hướng, vận động Nhân dân. Yếu tố chính mang lại thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn, đó là: Sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; vận động quần chúng nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng nông thôn mới với quan điểm: Xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra".
Người dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới) tích cực thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập. Ảnh: Hương Dịu
Đồng thời, đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Để thực hiện có hiệu quả các nội dung của chương trình, công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành. Công tác lãnh đạo, điều hành phải thật sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt; mang tính đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng; rút kinh nghiệm và gắn với công tác thi đua, khen thưởng…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên từ năm 2011 đến 2022 nhân dân toàn tỉnh Bắc Kạn đã hiến hơn 479.665m2 đất, đóng góp tiền mặt hơn 25 tỷ đồng, ngày công lao động à hiện vật đạt giá trị gần 215 tỷ đồng
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội Bắc Kạn cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Hệ thống giao thông liên xã được nhựa hóa 1.256,01 km/1.510,640 km, đường liên thôn được cứng hóa 1.052,60 km/1.931,79 km; đường nội đồng được cứng hóa xe cơ giới đi lại thuận tiện 75,48 km/687,138 km. Hệ thống trường, lớp được quan tâm đầu tư với 92 trường đạt chuẩn quốc gia, 31/65 nhà văn hóa xã đạt chuẩn và 460/1.207 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn.
Bắc Kạn luôn xác định xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm "Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới"; Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn đã phân công các sở, ngành, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới; vận động các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đóng góp tiền, công trình; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, đất đai, ngày công lao động.