Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên) cho biết: Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Điện Biên đã kiện toàn bộ máy, triển khai nhiều hoạt động, trong đó có Tiểu dự án 4.3 về hỗ trợ việc làm bền vững.
Năm 2022, tỉnh Điện Biên được phân bổ hơn 17 tỷ đồng để thực hiện tiểu dự án 4.3. Kết quả, hết năm 2022 tỉnh đã phân bổ được hơn 5,2 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Điện Biên. Năm 2023, dự kiến phân bổ hơn 2 tỷ đồng tiếp tục đầu tư, trang bị trang thiết bị cho trung tâm.
Hiện nay trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Điện Biên được đầu tư cơ sở hạ tầng để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động. Đầu tư xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến, nâng cấp phòng máy chủ lực phục vụ cài đặt phần mềm. Cụ thể đầu tư nâng cấp 313 máy móc, trang thiết bị...
Không những vậy, thực hiện tiểu dự án 4.3 tỉnh còn giao Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức khảo sát, thu nhập thông tin về lao động đang tìm kiếm việc làm và các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, qua đó hình thành mạng lưới thông tin rộng rãi về thị trường lao động. Đây là cơ sở để lấy dữ liệu thực hiện các phiên giao dịch việc làm cho lao động các huyện nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Về nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc cũng được phía trung tâm dịch vụ việc làm triển khai. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Điện Biên đã khảo sát được hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động; thu nhập dữ liệu của hơn 1.200 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, trong đó có hơn 1.000 hộ nghèo ở các huyện nghèo.
Thực hiện nội dung Tiểu dự án 4.3, trung tâm cũng tổ chức được 2 hội chợ việc làm, 6 hội nghị việc làm lưu động với 21 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia, có 1.232 lao động được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về thị trường lao động, chủ yếu là lao động nghèo, thuộc huyện nghèo.
Hiện toàn tỉnh Điện Biên còn 7 huyện nghèo, 95 xã đặc biệt khó khăn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ LĐTBXH, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Điện Biên cao thứ 3 trong cả nước, có 54.947 hộ, chiếm 39,98% (trong đó hộ nghèo 41.706 hộ, chiếm 30,35%; hộ cận nghèo 13.241 hộ, chiếm 9,63%).
Qua 6 phiên giao dịch việc làm lưu động, trung tâm dịch vụ việc làm đã kết nối tư vấn việc làm cho 332 lao động ở huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng. Kết quả giới thiệu việc làm thành công cho 8 lao động.
Mới đây, UBND tỉnh Điện Biên cũng ban hành kế hoạch số 1417 về Tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh. Thời gian thu nhập là 60 ngày kể từ ngày 1/6/2023 đến hết tháng 7/2023.
Là lao động được giới thiệu việc làm thành công, chị Nguyễn Thị Tâm 26 tuổi - là lao động thuộc hộ nghèo ở xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng, Điện Biên) cho biết, trước đây cứ nghe thấy đi làm xa là bố mẹ tôi, cùng hàng xóm lo sợ. Sợ bị lừa, sợ sống không phù hợp.
"Tuy nhiên, từ ngày tôi được giới thiệu đi học nghề may dưới thị xã, tôi thấy mình phải đi làm, phải có tiền mới thay đổi được cuộc sống và mới xóa được cái nghèo", chị Tâm nói.
Từ suy nghĩ đó, ngay khi nghe thông tin có Trung tâm Dịch vụ việc làm ở tỉnh về tư vấn, giới thiệu việc làm là chị Tâm tham gia ngay. Chỉ trong lần kết nối đầu tiên chị đã tìm được việc làm tại một công ty may có quy mô 200 lao động ở thành phố Điện Biên.
Chị Tâm là 1 trong 8 lao động ít ỏi được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Điện Biên kết nối, tư vấn giới thiệu việc làm thành công.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Điện Biên, dù nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương, nhưng do nguồn kinh phí phân bổ tương đối nhưng việc triển khai các phiên giao dịch việc làm tư vấn giới thiệu việc làm cho người nghèo gặp rất nhiều khó khăn.
"Khó khăn đầu tiên phải kể đến là nhận thức của lao động nghèo còn hạn chế. Để tổ chức được một phiên giao dịch việc làm ở huyện nghèo, chúng tôi phải ký hợp tác với nhiều tổ chức đoàn thể tại địa phương để họ tư vấn, thuyết phục lao động tham gia. Đó là chưa kể lao động cũng khá bận vì họ làm nông nghiệp thời vụ, cứ vào vụ là rất khó để huy động tham gia phiên giao dịch việc làm", bà Thủy nói.
Không chỉ vậy, việc triển khai tiểu dự án 4.3 cũng gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là do việc phân bổ nguồn vốn còn chậm, ngân sách thì eo hẹp. Quy định chi về quản lý lao động gắn với dữ liệu dân cư theo Thông tư 46 chưa rõ, còn đang chỉnh sửa; việc thu nhập thông tin của doanh nghiệp và người tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên thấp... tất cả những điều này đã tác động không nhỏ tới tốc độ triển khai tiểu dự án 4.3.
"Chúng tôi đã có kiến nghị Bộ LĐTBXH sớm xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thu nhập thông tin về người lao động đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi thông tư 46 để địa phương lập dự toán, tổ chức thực hiện", bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ kiến nghị của Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên.