Bình Định: Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo thông qua tư vấn, giới thiệu việc làm
Bình Định: Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo thông qua tư vấn, giới thiệu việc làm
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 08/06/2023 15:14 PM (GMT+7)
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà thời gian qua, tỷ lệ lao động trong đó có lao động nghèo ở tỉnh Bình Định được nâng lên đáng kể. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm đang đẩy nhanh tốc độ tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm nhằm giới thiệu việc làm bền vững cho lao động nghèo.
Tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tại huyện nghèo
Hiện nay, Bình Định đang triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững theo Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Tiểu dự án 4.3 về "Hỗ trợ việc làm bền vững". Tuy nhiên, tỉnh cũng mới chỉ triển khai được một số nội dung nhỏ trong tiểu dự án này.
Ông Lê Văn Nghinh – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Định cho biết, cuối tháng 8/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Lâm Hải Giang đã ký quyết định số 5527 về việc triển khai thực hiện Tiểu Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sử dụng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thực hiện Công văn số 3617 chỉ đạo việc thực hiện Tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sử dụng vốn đầu tư phát triển; Chủ tịch UBND tỉnh đã Giao Sở LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai.
Tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” có nhiều nội dung tuy nhiên, hiện nay trung tâm mới triển khai mạnh 2 nội dung chính là tổ chức sàn giao dịch việc làm và kết nối việc làm thành công cho lao động nghèo.
“Hiện nay chúng tôi đã tổ chức 20 phiên trên tổng 60 phiên giao dịch việc làm theo Tiểu dự án 4.3 ‘Hỗ trợ việc làm bền vững’. 100% các huyện đều đã được tổ chức phiên, trong đó riêng huyện nghèo An Lão đã tổ chức được 10 phiên”, ông Nghinh nói.
Thông qua các phiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối với các doanh nghiệp; kết nối cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Ngân hàng chính sách… để tư vấn giới thiệu việc làm một cách toàn diện cho lao động nghèo. Lao động không chỉ được tư vấn giới thiệu việc làm, mà còn được tư vấn về chính sách lao động, thị trường khi đi làm việc ở nước ngoài, và học nghề…
Chị Nguyễn Thị Thơm (hộ nghèo ở huyện An Lão, Bình Định) cho biết, gia đình chị có 4 khẩu, chồng chị không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, 2 con đang tuổi ăn học, một mình chị là lao động chính nhưng công việc bấp bênh, nên thu nhập thấp.
Trước đó, ngày 3/8/2022 UBND tỉnh đã ban hành quyết định 2410 ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 -2025 nhưng do việc phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý nên tỉnh đang sửa lại quyết định. Theo quyết định này, mục tiêu giảm nghèo bình quân của tỉnh từ 1,5-2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm. Hiện tại, toàn tỉnh Bình Định còn khoảng 8.000 hộ nghèo (chiếm 9.9% dân số).
“May mắn là thông qua phiên giao dịch việc làm, tôi đã kết nối được với một doanh nghiệp may. Họ đồng ý tiếp nhận tôi vào đào tạo nghề ngắn hạn và làm việc luôn trong tháng 6 này. Mức lương thử việc là 5 triệu đồng/tháng, sau đó sẽ được nâng lên tùy năng suất lao động của bản thân. ”, chị Thơm chia sẻ.
Ông Lê Văn Nghinh cho biết, thông qua các phiên giao dịch việc làm, nhận thức của người lao động về việc tìm kiếm việc làm an toàn, bền vững được nâng lên. Nhiều lao động thuộc hộ nghèo đã được giới thiệu việc làm bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Nghinh, một số nội dung khác trong tiểu dự án 4.3 như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động cũng đang được trung tâm triển khai.
“Về khoản chi hỗ trợ việc làm thành công cho lao động, đang được trung tâm thực hiện theo định mức kỹ thuật tỉnh phê duyệt. Cái khó nhất lúc này chính là việc triển khai vốn đầu tư chưa thể thông qua. Riêng vốn sự nghiệp cũng gặp khó nhưng vẫn túc tắc triển khai được”, ông Nghinh nói.
Mục tiêu trong năm 2023, trung tâm sẽ tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 4.000 người, trong đó giới thiệu việc làm thành công hơn 2.000 người lao động nghèo, lao động vùng đặc biệt khó khăn.
Gấp rút tháo gỡ khó khăn trong triển khai tiểu dự án "Hỗ trợ việc làm bền vững"
Giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, nhất là sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và liên tục của UBND tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn của các huyện, thị xã, thành phố còn rất chậm.
Để triển khai, chương trình đặt mục tiêu giải ngân 100% nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm trong năm 2022 chuyển sang năm 2023 trước ngày 30/6/2023, đến ngày 31/12/2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 được giao.
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Trưởng Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Định đang tập trung thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Tổng ngân sách triển khai chương trình này là hơn 45,8 tỷ đồng, trong đó: Nguồn Trung ương: hơn 42,4 tỷ đồng, nguồn đối ứng của tỉnh 3,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lúc đầu quyết định ban hành quy định phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý, khiến cho việc giải ngân gặp khó khăn. Chính bởi vậy, hiện nay UBND tỉnh đang xem xét ban hành lại quyết định thực hiện Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021 -2025.
Theo đó, kinh phí để triển khai Tiểu dự án 4.3 về “Hỗ trợ việc làm bền vững” trong năm 2022 và 2023 là 7,2 tỷ đồng .
“Hiện tại UBND tỉnh đang sửa đổi quyết định thực hiện Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững nên nhiều nội dung trong chương trình chưa được triển khai. Về tiểu dự án "Hỗ trợ việc làm bền vững" giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua sàn giao dịch việc làm và kết nối cung - cầu. Tuy nhiên, việc triển khai cũng còn chậm”, ông Hải nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.