Xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà đạt chuẩn quốc tế
Trong khuôn khổ "Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh" được tổ chức tại Tây Ninh mới đây, lần đầu tiên đại diện lãnh đạo Cục Thú y cùng Sở NNPTNT 7 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã cùng kí thoả thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để hướng đến xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường trong nước, giai đoạn 2023 – 2028.
Mục tiêu của thoả thuận nhằm xây dựng thành công chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà và các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh (ATDB) theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE). Trong đó, mục tiêu chính là tăng cường khả năng phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh liên quan đến chăn nuôi gà, đồng thời cải thiện chất lượng thực phẩm và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, góp phần tạo ra một môi trường an toàn và bền vững trong ngành chăn nuôi gà, từ giai đoạn sản xuất đến chế biến.
Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong ngành công nghiệp chăn nuôi gà tại khu vực các tỉnh phía Nam, hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho ngành chăn nuôi gà tại Việt Nam nói chung, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm gà Việt trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, thỏa thuận còn giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu gà Việt Nam ra thị trường quốc tế, được thị trường quốc tế công nhận và tin tưởng bởi chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Theo đó, các bên cùng cam kết nâng cao quản lý và kiểm soát dịch bệnh trong chuỗi sản xuất gà, bao gồm việc giám sát và đánh giá thường xuyên của các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm.
Áp dụng các phương pháp nuôi dưỡng an toàn và bền vững, bao gồm việc sử dụng thuốc thú y, kháng sinh và hormone theo quy định. Xây dựng hệ thống theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gà từ trang trại đến các cơ sở chế biến. Đào tạo và nâng cao nhận thức cho người lao động trong ngành chăn nuôi gà về quy định an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Theo thoả thuận, Công ty TNHH De Heus có nhiệm vụ xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà ATDB theo quy định của WOAH/OIE với nhiều hoạt động như hoàn thiện việc rà soát, đánh giá điều kiện của nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, ATDB.
Hoàn thiện việc rà soát, đánh giá điều kiện của chuỗi các cơ sở sản xuất gà giống bảo đảm ATDB; rà soát việc áp dụng các quy trình an toàn sinh học; hoàn thiện việc lấy mẫu để xét nghiệm chứng minh không có nguy cơ của 3 mầm bệnh (Cúm gia cầm, Newcastle, Salmonella)…
Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà ATDB. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm ATDB, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.
Đối với vùng đệm 10km xung quanh cơ sở nuôi gà thương phẩm trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH De Heus tại 7 tỉnh, từ nay đến năm 2024, doanh nghiệp sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cho ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gà trong vùng đệm; thực hiện giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành các loại mầm bệnh theo quy định tại Thông tư số 24; tổ chức kiểm soát tốt, không để xảy ra các loại dịch bệnh này; Xây dựng các huyện được Cục Thú y công nhận ATDB.
Đối với xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà an toàn thực phẩm của Công ty TNHH De Heus, lộ trình đến tháng 6/2026 sẽ hoàn thiện hồ sơ chương trình giám sát tồn dư chất độc hại và hồ sơ đề nghị xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến, trứng gà sang một số thị trường (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Trung Đông, EU,...).
Đến tháng 12/2026, sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn thực phẩm, ATDB theo quy định WOAH/OIE.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Công ty TNHH De Heus đã thành lập Ban chỉ đạo và các Tổ công tác kỹ thuật để phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả các nội dung Đề án xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà ATDB.
Đầu tư nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quy trình công nghệ sử dụng trong chuỗi sản xuất thịt gà nhằm đáp ứng yêu cầu ATDB theo quy định của WOAH/OIE.
Đại diện Công ty TNHH De Heus cho biết, việc xây dựng vùng đệm xung quanh đạt ATDB là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm các loại mầm bệnh từ bên ngoài vào bên trong chuỗi sản xuất của Công ty TNHH De Heus.
Công ty cam kết cùng phối hợp với người dân, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức tốt việc phòng, chống các loại dịch bệnh tại vùng đệm xung quanh chuỗi sản xuất thịt gà của Công ty TNHH De Heus như: Đào tạo, tập huấn về chuyên môn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ tiêm phòng, lấy mẫu giám sát chứng minh cơ sở, vùng ATDB.
Về phía Sở NTNN của 7 tỉnh có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà ATDB để xuất khẩu.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở tổ chức tiêm phòng, giám sát bệnh Cúm gia cầm, Newcastle, Salmonella tại vùng đệm có bán kính 10km xung quanh chuỗi trang trại của Công ty TNHH De Heus.
Chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm gắn với ATDB, kiểm soát môi trường. Các cơ sở chăn nuôi gà trong phạm vi bán kính ít nhất 3km xung quanh chuỗi chăn nuôi gà của Công ty TNHH De Heus phải tuân thủ và áp dụng các biện pháp ATDB theo khuyến cáo của WOAH/OIE; xây dựng các xã, cơ sở chăn nuôi trong phạm vi bán kính 7km tiếp theo đạt ATDB theo quy định của Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc củng cố mạng lưới thú y cơ sở. Hàng năm bố trí kinh phí tổ chức tiêm phòng và công tác giám sát phòng chống dịch bệnh. Có chính sách hỗ trợ tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.
Đối với Cục Thú y, theo thoả thuận, Cục sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn thiết kế và thực hiện các quy trình an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc theo đúng tiêu chuẩn của WOAH/OIE và yêu cầu của các nước khác; bao gồm cơ sở giết mổ, chế biến thịt gà đạt chuẩn và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.
Hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB. Phân công đơn vị chuyên môn tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm để chứng minh an toàn đối với bệnh Cúm gia cầm, Newcastle, Salmonella theo đúng quy định của Việt Nam và của WOAH/OIE.
Đàm phán về yêu cầu thú y và an toàn thực phẩm với các cơ quan có thẩm quyền của các nước để giúp Công ty TNHH De Heus xuất khẩu các sản phẩm.
Hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương chuẩn bị hồ sơ để được chứng nhận ATDB, an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam. Gửi hồ sơ lên WOAH/OIE đề nghị cho phép xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm thuộc chuỗi sản xuất của Công ty TNHH De Heus sang các nước…
Xây dựng chuỗi các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên
Trước đó, Công ty TNHH De Heus đã kí kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai một số dự án đầu tư Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, nhằm xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh tại Tây Nguyên.
Theo đó, 2 doanh nghiệp đã bắt tay xây dựng Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk có diện tích hơn 200ha tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’Gar (tỉnh Đắk Lắk), vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng và đã đi vào hoạt động từ năm 2021.
Năm 2022, Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai được triển khai xây dựng tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng; dự kiến quy mô sử dụng đất khoảng 100ha.
Đối với dự án Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Kon Tum, dự kiến quy mô sử dụng đất khoảng trên 200ha với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD (tương đương với 1.450 tỷ đồng). Trong đó có trang trại heo giống cao sản Kon Tum có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà.
Mục tiêu đến năm 2030, De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác, mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh trên đàn lợn tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, dự án sản xuất lợn giống sẽ đạt công suất khoảng 10.000 con lợn cụ kỵ, ông bà (tương đương 80.000 con lợn hậu bị mỗi năm; công suất đàn lợn nái khoảng 200.000 con, và cung ứng ra thị trường khoảng 6 triệu con lợn thịt. Tổng doanh thu từ chuỗi này ước tính sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD/năm.
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, cho biết: "Với khu vực Tây Nguyên, mục tiêu của chúng tôi là đầu tư chuỗi các dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa Tây Nguyên trở thành vùng an toàn dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Xa hơn nữa là định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam và châu Á".
Thiên Ngân