Tìm giải pháp canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên

Quang Sung Thứ tư, ngày 14/06/2023 13:00 PM (GMT+7)
Chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023-2025 nhằm tìm ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất gói kỹ thuật canh tác phù hợp hơn vùng trồng cà phê nổi tiếng này.
Bình luận 0

Sáng 14/6, tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức hội nghị triển khai chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023-2025.

Tìm giải pháp canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên - Ảnh 1.

Hội nghị lần này nhằm tìm giải pháp canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên. Ảnh: Quang Sung

Tham gia hội nghị có đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Sở NNPTNT 5 tỉnh Tây Nguyên, trạm khuyến nông 15 huyện tham gia chương trình thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, TS Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, sản xuất cà phê tại Tây Nguyên đang chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Thời tiết cực đoan như: nhiệt độ tăng, mưa phân bố không đều, hạn hán xuất hiện bất thường… xảy ra thường xuyên hơn.

Riêng hạn năm 2016 đã ảnh hưởng đến 116.400ha cà phê, trong đó Đắk Lắk bị 56.100ha, diện tích cà phê bị mất trắng do hạn là 6.900ha.

Tìm giải pháp canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên - Ảnh 2.

TS Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Công ty CP Phân bón Bình Điền thông tin về chương trình. Ảnh: Quang Sung

“Chương trình lần này nhằm tìm ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất gói kỹ thuật canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Tây Nguyên. Phát triển được bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần, trồng xen), hiệu quả kinh tế cao; có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính”, TS Cường cho biết.

Để đạt được mục tiêu này, hội nghị đặc biệt chú trọng vào việc tập huấn cho các bên tham gia. Điều này nhằm tiến đến thực hiện nhiều thí nghiệm chuyên sâu, từ diện hẹp đến diện rộng. Thực hiện điều tra thực tế trên 500 hộ canh tác cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên; phân tích 200 mẫu đất ở các tầng canh tác cà phê trong các vườn trồng thuần, trồng xen để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến quá trình canh tác cà phê hiện tại và dự báo cho 3 năm tới.

Theo TS Trương Hồng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, canh tác thông minh không phải là một thuật ngữ cao siêu, hàn lâm.

Tìm giải pháp canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên - Ảnh 4.

TS Trương Hồng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Sung

“Canh tác thông minh là hệ thống lại những kỹ thuật tiến bộ; trước đây người nông dân đã áp dụng rồi, nhưng chưa hệ thống thành quy trình, giờ mình hệ thống thành quy trình và đưa vào canh tác”, TS Hồng cho biết.

Theo ông Hồng, canh tác cà phê thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu trước hết cần thực hiện một số việc như: tăng cường sử dụng giống mới, người nông dân cần mua giống đúng nguồn gốc. Đối với cà phê ghép nên trồng theo hàng, bởi vì mỗi giống là một đặc điểm khác nhau nên trồng theo hàng sẽ dễ quản lý, thu hoạch. Đa dạng hóa sản phẩm trên vườn cà phê như trồng xen các loại cây khác và sử dụng phân bón cân đối, đầy đủ.

Tìm giải pháp canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên - Ảnh 5.

Sản xuất cà phê tại Tây Nguyên chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Ảnh: Q.S

“Trong canh tác cà phê, phân bón chiếm đến 70% tổng số phát thải khí nhà kính. Nếu bón phân cân đối hợp lý hơn sẽ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Mục tiêu lớn nhất của chương trình là giúp cho nông dân có thu nhập ổn định, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và thích ứng được với biến đổi khí hậu”, TS Hồng cho hay.

Chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” sẽ được thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần cà phê và trồng xen với sầu riêng, hồ tiêu.

Chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng được gói kỹ thuật hoàn chỉnh, nhằm giúp người dân trồng thuần cà phê hoặc trồng cà phê xen sầu riêng, xen hồ tiêu có được kiến thức thực tế, khoa học. Qua đó áp dụng vào trong quá trình canh tác góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập gắn với tăng trưởng xanh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà ngành nông nghiệp đang đề ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem