CLIP: Kho sách cổ viết bằng chữ Nôm Tày đồ sộ của nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Phúc ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Clip: Chiến Hoàngchu
Chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Phúc (thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) vào đúng ngày cụ Phúc đi làm lễ mừng thọ cho một gia đình ở xã Giáo Hiệu cũng thuộc huyện Pác Nặm.
Gần trưa, cháu cụ Phúc đèo cụ về. Cụ Phúc bảo, tranh thủ về được lúc thôi, nay phải làm lễ đến cuối chiều mới xong. Cụ Phúc người thấp nhỏ, lưng cũng đã còng nhưng trông da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh anh lắm lắm.
Biết chúng tôi muốn được mục sở thị kho sách Nôm Tày, cụ Phúc lặng lẽ mở cánh tủ gỗ đặt ở tầng trệt ngôi nhà, phía trong là những quyển sách khâu gáy chi chít ký tự. Gia tài này của cụ Phúc đã được trao truyền cả trăm năm, cùng với đó là những cuốn sách được cụ ghi chép lại trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về chữ Nôm Tày.
Sách cụ Phúc nhiều, nhiều lắm. Thể loại sách cũng rất phong phú và đa dạng. Từ sách văn học dân gian như truyện Lương Nguyên, Phạm Công - Cúc hoa, Tần Chu; thơ Nôm Tày… đến sách thực hành tín ngưỡng Tày như Kỳ yên, giải hạn, nối số, đầy tháng, sách cấp sắc.
Cụ Phúc chia sẻ, 18 tuổi cụ đã đọc thông viết thạo chữ Nôm Tày và được cấp sắc để làm Thầy Tào (một trong những tín ngưỡng dân gian Tày). Từ đó cụ tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm các loại sách quý để kho tàng sách Nôm Tày của mình thêm đầy đặn.
"Sách chữ Nôm Tày rất nhiều, hiện tôi có vài trăm cuốn. Chủ yếu do các cụ từ xưa truyền lại và một phần tôi tự tìm hiểu, ghi chép thêm. Chữ Nôm Tày là người già truyền lại cho tôi. Giờ thì ít người biết lắm. Ở huyện Pác Nặm chỉ còn khoảng 5-6 người biết thôi" - cụ Phúc cho biết thêm.
Nói rồi cụ Phúc dẫn chúng tôi lên gác hai, ngay phía cầu thang lên là phòng ngủ của cụ, ở đây có lẽ cũng có đến cả trăm cuốn sách nữa, trong đó có những cuốn sách cụ vẫn còn đang chép dở.
Nhiều cuốn sách phủ bụi thời gian, nét chữ nhoẹt nhòe, giấy bản đã ố nát cả. Cụ Phúc cẩn thận gỡ từng trang, lần từng chữ đọc cho chúng tôi nghe. Cụ bảo kho sách này quý lắm, hiện cụ đang nỗ lực truyền lại cho người con trai của mình.
Con trai cụ Phúc cũng đã thông thạo với loại hình chữ viết này. Thường khi đi làm lễ ở đâu, con trai cụ Phúc là ông Hoàng Văn Lý lại khoác quây sách, mũ áo theo cùng. Theo cụ Phúc, việc truyền dạy chữ Nôm Tày gặp nhiều khó khăn, ít người học lắm và chủ yếu truyền dạy trong gia đình thôi.
"Tôi cao tuổi rồi nên nếu có mở lớp cũng không còn sức dạy nữa đâu, chỉ cố truyền lại cho con cháu trong nhà được ít nào hay ít đấy thôi" - cụ Phúc ngậm ngùi chia sẻ.
Theo chân cụ Hoàng Văn Phúc, chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Văn Chung (thôn Nà Lẹng, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Hôm nay gia đình ông Chung làm lễ mừng thọ cho ông bà. Từ ngoài đường cái quan đã nghe tiếng con trai cụ Phúc âm trầm đọc những bài trong nghi thức mừng thọ.
Giọng ông Hoàng Văn Lý cứ vậy đều đều cất lên. Phía trong nhà, tiếng nói cười rổn rảng vọng ra cả ngoài sân. Nhịp trống, tiếng chuông cũng theo đó mà ngân lan theo từng khúc đoạn thầy Tào Lý đọc từ cuốn sách viết bằng chữ Nôm Tày đang cầm trên tay.
Năm 2019, cụ Hoàng Văn Phúc đã được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có thành tích xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Cụ Phúc lúc này cũng lặng lẽ ngồi ở một góc, cầm dùi trống điềm tĩnh hạ xuống theo từng khúc đoạn thầy Lý ngân chú. Phía góc trái ban thờ lễ là những cuốn sách cổ khâu gáy bằng chỉ xếp chồng lên nhau. Những tờ giấy bản xanh đỏ được cắt thành từng dải treo trên ban lễ, trên mỗi tờ giấy đều viết cùng một loại chữ Nôm Tày.
Cụ Phúc cho biết, đấy là những tờ "chỉa khoen đối tàng, đối thuật" của các thầy Tào, mục đích báo cáo lễ mừng thọ với gia tiên chủ nhà.
Ngồi phía sau các thầy lễ là gia chủ cùng con cái. Lúc này tiếng trống, tiếng chuông đã trở nên mau hơn.
Chừng khi mặt trời sắp xuống núi, thầy Tào Hoàng Văn Lý bắt đầu trì chú vào những hạt gạo rồi tung về phía sau phát lộc, giải hạn cho gia chủ cùng họ hàng nội ngoại. Tiếng thầy lễ nhỏ dần, tiếng chuông, tiếng trống cũng thưa hơn trước. Cuốn sách bằng chữ Nôm Tày cầm trên tay của thầy Tào Hoàng Văn Lý lúc này cũng đã lật dở đến trang cuối cùng, kết thúc cho lễ mừng thọ của gia chủ.
Ông Hoàng Văn Chung chia sẻ: "Năm nào gia đình tôi cũng tổ chức nghi lễ này với mục đích mừng thọ báo hiếu ông bà, cầu sức khỏe để được an yên và cũng là để vui văn nghệ. Thầy Tào Phúc rất uy tín và có tâm nên chúng tôi chủ yếu là mời thầy Phúc đến làm lễ thôi".
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Pác Nặm cho biết, hiện những người đang gìn giữ, thực hành chữ Nôm Tày trên địa bàn huyện Pác Nặm còn rất ít, không đến 5 nghệ nhân.
"Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Phúc hiện đang lưu giữ kho tàng sách Nôm Tày khá lớn. Chữ Nôm Tày ở huyện Pác Nặm nguy cơ mai một rất cao. Số lượng người tiếp cận, thực hành, sử dụng chữ viết Nôm Tày hiện nay rất ít.
Huyện Pác Nặm cũng xác định di sản chữ Nôm Tày là một trong những di sản quý trong địa bàn huyện. Tuy nhiên vẫn chưa có được công trình hay chương trình nào liên quan đến bảo tồn chữ Nôm Tày. Chúng tôi mong muốn các cấp ngành, tỉnh quan tâm hỗ trợ để huyện bảo tồn di sản chữ Nôm Tày trong thời gian tới"- ông Tuấn cho biết thêm.