Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong quá trình khai thác rươi bà con đã tạo ra môi trường đất sạch và tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là tiền đề thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.
Vụ Xuân 2023, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) đã tư vấn cho bà con xây dựng mô hình sản xuất lúa ST25 hữu cơ trên vùng bãi rươi với quy mô 9ha/ 6 hộ tham gia tại 2 xã Vĩnh An, Tân Liên. Mô hình đã cho những kết quả đáng ghi nhận.
Những năm trước kia tại các bãi rươi chủ yếu khai thác tự nhiên theo con nước. Trong quá trình khai thác nhận thấy môi trường sạch và phân hữu cơ là yếu tố quyết định đến năng suất và khai thác phải đi đôi với cải tạo.
Bà con ở đây nhiều hộ đã bắt tay vào cấy trên các diện tích này, tuy nhiên năm ăn năm thua và mục đích chính là lấy nguồn rơm rạ. Sau thu hoạch cho năng suất chỉ đạt 50-60kg/sào.
Được sự tư vấn từ cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Vĩnh Bảo về giống lúa, thời vụ, phương thức làm mạ, chăm sóc, cũng như với kinh nghiệm thực tế sản xuất nhiều năm năng suất lúa đã tăng lên vượt bậc.
Lúa ST25 cấy tại bãi rươi đến ngày thu hoạch tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Canh tác lúa trên ruộng rươi tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học hay bất cứ sự can thiệp bằng hóa chất nào khác để tránh ảnh hưởng đến ấu trùng rươi phát triển dưới mặt ruộng lúa nên chọn lựa giống chống chịu rất quan trọng.
Trên các bãi rươi đất đai màu mỡ nên thời gian sinh trưởng của các giống kéo dài hơn so với cấy thông thường nên việc bố trí thời vụ là yếu tố quyết định đến việc được mất.
Qua 2 năm đưa giống lúa ST25 vào canh tác nhận thấy: giống có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, đặc biệt là khả năng chịu phèn mặn khá tốt- đây là yêu cầu quan trọng nhất đối với các vùng bãi rươi.
Ngay từ đầu vụ Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo đã hỗ trợ bà con kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty TNHH Thực phẩm An Biên, tạo niềm tin để bà con yên tâm sản xuất.
Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ tại vùng lúa-rươi của huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Cùng với nguồn lợi từ rươi, đến nay lúa hữu cơ cũng đã trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nơi đây.
Lúa tại các vùng rươi luôn có giá bán cao hơn đại trà do có hàm lượng dinh dưỡng cao, vị đậm, đặc biệt đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng về sản phẩm gạo sạch- an toàn. Vụ Xuân 2023, sau thu hoạch tại mô hình đạt trung bình từ 50-55 tạ/ha, với giá cân tươi là 9.500 đ/kg, hạch toán kinh tế lãi thuần ước đạt 25-30 triệu đồng/ha.
Lúa tại vùng lúa-rươi ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng được thu hoạch cân tươi bán tại đầu bờ.
Ngoài việc thu nhập tăng lên từ lúa, cấy lúa trên vùng nuôi rươi còn có tác dụng rất lớn trong việc che bóng cho rươi.
Bên cạnh đó, lượng rơm rạ để lại tạo lượng mùn giúp rươi sinh trưởng phát triển tốt. Từ đó, giúp thu nhập từ con rươi cũng tăng lên so với trước kia.
Nếu như trước kia trung bình 1 sào cho thu từ 25-30 kg rươi thì sau khi canh tác 1 vụ lúa 1 năm năng suất rươi đã tăng từ 15-20kg/sào. Hiện nay tại các đầm đã cấy lúa bà con thu trung bình 40-50kg rươi/ sào.
Ông Nguyễn Xuân Ngừng - một trong những hộ trong mô hình phấn khởi cho biết: “Năm nay là vụ đầu tiên gia đình cấy lúa hữu cơ và cấy toàn bộ giống ST25 với diện tích là 2,5 ha, lúa thu hoạch được công ty mua tươi ngay đầu ruộng, gia đình tôi đã bán được 11 tấn thóc tươi. Trừ các chi phí gia đình tôi thu lãi 70 triệu đồng trong vụ Xuân này. Cái được nhất của cấy lúa là tiết kiệm được chi phí đầu tư phân hữu cơ. Hiện tại đầm rươi đã có ấu trùng rươi, ước chừng nhiều lỗ hơn 20% so với năm ngoái ”.
Kiểm tra ấu trùng rươi tại các bãi trong vùng lúa-rươi ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Có thể nói, hiệu quả kinh tế từ mô hình sẽ là động lực để bà con nông dân mở rộng diện tích cấy lúa hữu cơ trong những năm tiếp theo tại không chỉ tại 2 xã mà còn nhân rộng tới các xã khác trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo. Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi con rươi đặc sản góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về việc sản xuất bền vững, từng bước giúp xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ cho huyện nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.