Dân Việt

Chuyến tàu đầu tiên đưa 56 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Khương Lực 16/06/2023 07:34 GMT+7
Chuyến tàu đầu tiên chở 3 container chuyên dụng với 56 tấn vải thiều tươi Lục Ngạn đã chính thức xuất hành từ ga liên vận quốc tế Kép, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chiều 15/6.

CLIP: Chuyến tàu đưa 56 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 

Chiều 15/6, tại ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), Cục Hải quan Bắc Ninh và UBND huyện Lục Ngạn phối hợp công bố quyết định thành lập Đội Nghiệp vụ Hải quan ga liên vận Kép và tổ chức xuất hành vận chuyển vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu bằng đường sắt.

Xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt: Thuận tiện, chi phí giảm

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, thời điểm này vải thiều Lục Ngạn bắt đầu vào thu hoạch chính vụ. 

"Đến ngày hôm nay (15/6) đã tiêu thụ được 27.500 tấn và tình hình giá cả khá ổn định, nhất là vải thiều loại 1, có mã số vùng trồng để xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Mỹ và các thị trường cao cấp có giá ổn định và cao hơn so với những năm trước" - ông Thi nói.

Năm nay, huyện Lục Ngạn có 17.000ha vải thiều, trong đó có gần 13.500ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Dự kiến sản lượng quả vải thiều tươi toàn huyện Lục Ngạn năm 2023 đạt khoảng 98.000 tấn.

Trong những năm trước, vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều được vận chuyển đi tiêu thụ ở trong nước cũng như xuất khẩu sang thị trường chủ lực Trung Quốc bằng đường bộ. Việc vận chuyển này có lúc đã ảnh hưởng tới hoạt động tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là ở những thời điểm ùn tắc ở khu vực biên giới tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai.

Bà Vũ Thị Như, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu An Như cho biết, mỗi năm công ty tiêu thụ trên 1.000 tấn vải thiều tươi. Hiện tại, công ty đang vận chuyển vải thiều bằng đường bộ và đường hàng không nhưng đi lại bằng đường bộ còn ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí giá thành cao.

Chính vì thế, việc tổ chức xuất hành vận chuyển vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường sắt đã mở ra một kênh vận tải mới, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân, các HTX và người dân trong hoạt động vận chuyển tiêu thụ vải thiều ở cả trong và ngoài nước.

Chuyến tàu đầu tiên đưa 56 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc  - Ảnh 2.

Chiều 15/6, Cục Hải quan Bắc Ninh và UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Ninh phối hợp công bố quyết định thành lập Đội Nghiệp vụ Hải quan ga liên vận Kép và tổ chức xuất hành vận chuyển vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu bằng đường sắt. Ảnh: Khương Lực

Chuyến tàu đầu tiên đưa 56 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc  - Ảnh 3.

Đưa 3 container lạnh chuyên dụng chứa 56 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: K. Lực

Bà Nguyễn Thị Phòng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Bằng Thủy, thôn Lim, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, với lô 11 tấn vải thiều xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc bằng đường sắt, HTX đã được tạo điều kiện thông quan nhanh nhất, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu.

"Mình không phải làm thủ tục rườm rà" - bà Phòng nói và cho biết kế hoạch năm nay HTX dự kiến xuất khẩu 5.000 tấn vải thiều, trong đó có 4.000 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc và 1.000 tấn tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt nhận định, những năm trước, toàn bộ vải thiều tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc đều được vận chuyển bằng đường bộ.

"Năm nay có thêm phương thức vận chuyển mới bằng đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản Bắc Giang đưa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là những thời điểm trên các cửa khẩu đường bộ ách tắc thì phương tiện vận chuyển đường sắt là một giải pháp để hỗ trợ bà con trong công tác xuất khẩu" - ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, Công ty đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc đưa container lạnh tự hành chuyên dùng đến kho của doanh nghiệp. Sau khi hàng hóa được đóng gói và xếp hàng lên container, đưa về ga Kép để lập tàu liên vận quốc tế chạy đến ga cửa khẩu Đồng Đăng, hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu hàng.

"Container tự hành, tự làm lạnh sẽ giúp bảo quản hàng hóa từ vựa cho đến chợ đầu mối bên Trung Quốc luôn luôn tươi ngon và giữ được chất lượng cao" - ông Thanh nói. 

Theo tính toán sơ bộ, đối với 1 container hàng được bảo quản lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn đi Bằng Tường sẽ có giá khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng. Về thời gian di chuyển, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến), từ Lục Ngạn đến ga Bằng Tường dự kiến khoảng xấp xỉ 12 giờ (bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan).

Vải thiều được thông quan, xuất khẩu nhanh chóng

Theo đại diện các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, vận chuyển vải thiều bằng đường sắt qua ga Kép giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, về lâu dài sẽ thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhanh chóng.

Bắc Giang lần đầu đưa vải thiều lên tàu tại Ga liên vận quốc tế Kép để xuất ngoại sang Trung Quốc  - Ảnh 3.

Năm 2023 diện tích vùng trồng vải của tỉnh Bắc Giang khoảng 29.700 ha, sản lượng vải thiều dự kiến đạt 180.000 đến 200.000 tấn. Ảnh: Khương Lực

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho rằng, nếu tuyến vận tải đường sắt liên vận ga Kép được khai thác, vận hành khoa học, sẽ mở ra những cơ hội thuận lợi rất tốt cho xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh trong khu vực nói chung, hàng hóa nông sản của huyện Lục Ngạn nói riêng nhờ vào việc giảm thiểu được khoảng cách quãng đường, thời gian, chi phí và các thủ tục hành chính về hải quan, kiểm dịch... từ đó giảm áp lực, sự phục thuộc vào hoạt động vận chuyển, xuất khẩu bằng hệ thống đường bộ qua các cửa khẩu như hiện nay.

Về tầm nhìn lâu dài, do hệ thống đường sắt liên vận quốc tế hiện nay và trong tương lai sẽ kết nối lưu thông với hầu hết các cảng biển lớn và các nước trong khu vực, giữa nước bạn Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, Tây Á, Trung Đông... mở ra khả năng đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đi sâu vào thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và các nước.

"Nhân dịp này, tôi đề nghị và khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân, các đối tác tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn hãy mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm, đi trước đón đầu xu thế, tiếp tục tăng cường hoạt động vận chuyển sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đi tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu bằng đường sắt, trực tiếp là tại ga Kép" - ông Nam nói.

Chuyến tàu đầu tiên đưa 56 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc  - Ảnh 6.

Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại lễ công bố quyết định thành lập Đội Nghiệp vụ Hải quan ga liên vận Kép và tổ chức xuất hành vận chuyển vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu bằng đường sắt.Ảnh: Khương Lực

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, người sản xuất và các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vải thiều mong muốn được mang đặc sản này đến mọi miền Tổ quốc và xuất khẩu đến thị trường các nước thuận tiện, nhanh chóng, chi phí vận chuyển hợp lý. 

Trong đó, thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống, chiếm 45% tỷ lệ xuất khẩu quả vải. Khi ga liên vận quốc tế Kép hoạt động, người dân, doanh nghiệp trồng và tham gia phân phối vải thiều sẽ có hình thức vận chuyển thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Phan Thế Tuấn đề nghị, Chi cục Hải quan quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo thông quan với thời gian sớm nhất.

Năm 2023 diện tích vùng trồng vải của tỉnh Bắc Giang khoảng 29.700 ha, sản lượng vải thiều dự kiến đạt 180.000 đến 200.000 tấn. Được chăm sóc theo các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chất lượng quả vải của Bắc Giang vượt trội, nhiều năm khẳng định chất lượng tại thị trường trong và ngoài nước.

Ga Kép chính thức đầy đủ các điều kiện để triển khai các hoạt động liên vận quốc tế

Ngày 19/1/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định cho phép ga Kép được tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Việc bổ sung ga Kép là ga liên vận quốc tế là giải pháp nhằm giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và tại 2 ga liên vận quốc tế hiện đang khai thác là Yên Viên và Đồng Đăng, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Hùng - Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, ngày 5/6, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TCHQ về việc thành lập Đội Nghiệp vụ Hải quan ga Kép thuộc Chi cục Hải quan quản lý các KCN Bắc Giang trực thuộc Cục Hải quan Bắc Ninh. "Đến nay, ga Kép đã chính thức đầy đủ các điều kiện để đi vào triển khai các hoạt động liên vận quốc tế và làm thủ tục tại địa điểm này" - ông Hủng nói.