Mới đây, trong khuôn khổ "Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh" được tổ chức tại Tây Ninh, đại diện lãnh đạo Cục Thú y, Sở NNPTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã cùng ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để hướng đến xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường trong nước, giai đoạn 2023 – 2028.
Trong đó, mục tiêu chính là tăng cường khả năng phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh liên quan đến chăn nuôi gà, đồng thời cải thiện chất lượng thực phẩm và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, góp phần tạo ra một môi trường an toàn và bền vững trong ngành chăn nuôi gà, từ giai đoạn sản xuất đến chế biến.
Thỏa thuận còn giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu gà Việt Nam ra thị trường quốc tế, được thị trường quốc tế công nhận và tin tưởng bởi chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Theo đó, các bên cùng cam kết nâng cao quản lý và kiểm soát dịch bệnh trong chuỗi sản xuất gà, bao gồm việc giám sát và đánh giá thường xuyên của các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm. Áp dụng các phương pháp nuôi dưỡng an toàn và bền vững, bao gồm việc sử dụng thuốc trừ sâu, kháng sinh và hormone theo quy định.
Xây dựng hệ thống theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gà từ trang trại đến các cơ sở chế biến. Đào tạo và nâng cao nhận thức cho người lao động trong ngành chăn nuôi gà về quy định an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Theo thỏa thuận được ký kết, Công ty TNHH De Heus có nhiệm vụ xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE, lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.
Đối với vùng đệm 10km xung quanh cơ sở nuôi gà thương phẩm của Công ty TNHH De Heus tại 7 tỉnh, từ nay đến năm 2024, doanh nghiệp sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cho ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gà trong vùng đệm; thực hiện giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành các loại mầm bệnh theo quy định tại Thông tư số 24...