Ngày mai 18/6, theo kế hoạch cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ khởi công sau một thời gian dài chuẩn bị. Dự kiến khi đi vào khai thác, tuyến cao tốc này sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Đồng Nai, TP.HCM, các vùng lân cận… đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó dự kiến thời gian từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ còn khoảng 70 phút thay vì gần 3 giờ đồng hồ như hiện nay.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ trở thành con đường huyết mạch kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra tính liên kết giao thông trong vùng, khu vực.
Đặc biệt, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng cũng chính là một trong những giải pháp chia sẻ bớt gánh nặng về lưu lượng xe cho Quốc lộ 51. Hiện nay thực tế Quốc lộ 51 đã bị quá tải nghiêm trọng nhất là thời gian cuối tuần và các ngày lễ lớn. Trung bình di chuyển trên Quốc lộ 51 dịp lễ, tết, cuối tuần từ TP.Vũng Tàu về đến TP.HCM có thể mất từ 5 - 6 giờ đồng hồ do kẹt xe nối dài.
Ngoài ra việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp tại các địa phương như huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Gò Dầu (Đồng Nai) đều đi qua Quốc lộ 51 dẫn đến lưu lượng xe trên tuyến đường này ngày càng đông. Xe đông, nối dài đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hoá, lưu thông qua lại giữa các địa phương.
Khi đưa vào khai thác, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ phần nào giải quyết được bài toán giao thông liên vùng, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương lân cận.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7km (qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km; đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5km). Tổng mức đầu tư khoảng trên 17.800 tỷ đồng và được chia thành 3 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 (Km0 - Km16) do UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư với chiều dài khoảng 16km; Dự án thành phần 2 (Km16 - Km 34+200) do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản (Ban QLDA 85 đại diện chủ đầu tư) với chiều dài khoảng 18,2km; Dự án thành phần 3 (Km 34+200 - Km 53+700) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư với chiều dài khoảng 19,5km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng.
Đối với dự án thành phần 3 đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng tày có điểm đầu tại Km34+200, tại đường Tô Đình Nguyệt, xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh với địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu. Điểm cuối tại nút giao QL56 thuộc xã Hòa Long (TP.Bà Rịa).
Trong đó giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến. Còn giai đoạn hoàn thiện tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được mở rộng quy mô 6-8 làn xe. Trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ xây dựng 2 nút giao quan trọng gồm nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đặc biệt song song với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn có đường Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Bến Lức Long Thành… tất cả khi đi vào khai thác sẽ tạo nên trục đường Đông - Tây liên kết mạnh mẽ. Điều này càng giúp cho các địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, Đông Nam bộ nói chung gắn kết hơn, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo nên những hành lang kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… nhất là khai thác hiệu quả cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Ngoài ra, các vùng đất dự án đi qua cũng sẽ có cơ hội phát triển, hình thành chuỗi đô thị, dịch vụ công nghiệp dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Các dự án sẽ tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân. Từ đó sẽ có những cú hích lớn, bước nhảy lớn cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các vùng lân cận phát triển kinh tế mạnh hơn nữa trong tương lai.