Thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định các bất cập về điều kiện được mua, thuê nhà xã hội đang là trở ngại khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa có ai vay dù triển khai gần hai tháng. Đây là gói cho vay hỗ trợ với chủ đầu tư, người mua dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất trên thị trường. Do đó, cần sửa đổi những quy định liên quan trong Luật Nhà ở hiện hành.
Nhận định về quy định đối tượng mua nhà ở xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, nếu thu hẹp đối tượng công nhân tại khu công nghiệp, cán bộ công chức viên chức được mua, thuê mua nhà ở xã hội là không phù hợp.
"Có những trường hợp nộp thuế nhưng thu nhập không đủ sống, nên cân nhắc mở rộng phạm vi thu nhập để tăng diện được tiếp cận nhà ở xã hội. Do đó, cần mở rộng phạm vi thu nhập người được mua nhà ở xã hội, tức là có những nhóm có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tiêu dùng đắt đỏ, trong khi giá nhà cao", bà Thanh chia sẻ.
Theo quy định hiện hành tại Luật Nhà ở, đối tượng mua nhà ở xã hội là những người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn, đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị (không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân); lao động tại các khu công nghiệp, sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị công an, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường; học sinh sinh viên của các trường đại học, học viện, trường chuyên biệt theo quy định; học sinh trường dân tộc nội trú công lập; doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để người lao động thuê lại.
Hiện nay, có nhiều trường hợp muốn tiếp cận nhà ở xã hội nhưng khó khăn gặp phải với họ là không đáp ứng đủ các điều kiện được mua, thuê nhà ở xã hội. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đây là những người thuộc nhóm không phải thu nhập thấp theo quy định hiện tại, nhưng cũng không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn.
"Hiện nay, đã đến lúc điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội, đồng thời nới một số điều kiện về thu nhập, cư trú để người có nhu cầu dễ tiếp cận phân khúc nhà ở xã hội", ông Châu cho biết thêm.
Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ĐBQH đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng đất để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong việc phát triển nhà chung cư. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định thời hạn sử dụng nhà ở gồm hai loại: Không xác định thời hạn (lâu dài) và có thời hạn sở hữu.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết ở nhiều nước, tỷ lệ nhà ở có niên hạn sử dụng chiếm 70%, nhà ở lâu dài chiếm 30%. Xu hướng vợ chồng trẻ ở đô thị hiện nay cũng muốn sở hữu nhà có niên hạn hơn là tài sản mang tính kế thừa. Vì thế, đại biểu này ủng hộ quy định chung cư có thời hạn.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đồng tình với dự thảo Luật Nhà ở cũ của Bộ Xây dựng theo hướng chung cư phải có thời hạn của công trình. Trong trường hợp chung cư hết thời hạn, kiểm định vẫn tốt thì tiếp tục sử dụng, còn không đảm bảo thì phá dỡ.
"Đề xuất đất dành xây dựng nhà chung cư không nên có "sổ đỏ" vĩnh viễn, mà là đất thuê có thời hạn 50 - 70 năm. Nếu quy định như vậy, tiền thuê đất sẽ rẻ hơn rất nhiều, từ đó, người mua nhà sẽ được hưởng lợi", ông Cường nhận định.
Trước đó, liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (dự thảo) chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận rằng quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý "ngại mua" của khách hàng. Từ đó tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà chung cư (khó bán hàng), mở rộng ra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng nhà chung cư. Ngoài ra, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư chỉ áp dụng cho các chung cư xây dựng kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực mà không áp dụng cho chung cư đang sử dụng, điều này có thể khiến cho khách có xu hướng tìm mua chung cư cũ và đẩy giá chung cư cũ đi lên.
Ngoài ra, vấn đề bố trí tái định cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hứa hẹn cũng nhận được sự quan tâm từ các ĐBQH. Trước đó, nhiều ý kiến nhận định vấn đề bố trí tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở được điều chỉnh bởi cả Luật Nhà ở và Luật Đất đai, trên thực tế đã gây vướng mắc trong triển khai thực hiện những năm qua (do quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014).