Dân Việt

Phát triển nhà ở tại địa phương cần tiết giảm thủ tục, tránh cồng kềnh

Thái Nguyễn 19/06/2023 09:52 GMT+7
Sáng nay (19/6), Quốc hội họp phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến về thời gian bảo hành nhà chung cư, thủ tục hành chính phát triển nhà ở,…

Mở đầu phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, có liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Phát triển nhà ở tại địa phường cần tiết giảm thủ tục, tránh cồng kềnh - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phần thảo luận dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý đối với thời gian bảo hành nhà chung cư và công trình cấp đặc biệt và cấp 1.

"Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh sự khác biệt một cách phù hợp và hợp lý đối với thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt, cấp một", đại biểu Mạc đề nghị.

Cùng với đó, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết dự thảo luật quy định về việc bảo hành nhà chung cư kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng có thời hạn tối thiểu là 60 tháng. Trong khi đó, tại Điều 35 Nghị định số 46 năm 2015 quy định thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp 1.

Nhận định về giảm thủ tục với chương trình, chiến lược phát triển nhà ở địa phương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, Điều 31 trong dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về các nội dung tại trong khoản 1 Điều 29 của Luật này trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua. Sau khi được thông qua, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình.

Phát triển nhà ở tại địa phường cần tiết giảm thủ tục, tránh cồng kềnh - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

"Cần xem xét, rà soát, nghiên cứu kỹ xem các quy định này có thỏa mãn được yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương hay không. Bên cạnh đó, chiến lược, chương trình phát triển nhà ở địa phương cũng được căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng chủ trì. Do đó, cần tiết giảm thủ tục đối với nội dung này, tránh cồng kềnh trong các thủ tục, gây mất thời gian, chậm triển khai ở các địa phương", đại biểu Dũng đề nghị.

Cùng góp ý về dự án luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết về hành vi nghiêm cấm, tại Điều 5 của dự thảo luật Nhà ở có quy định về việc áp dụng cách tính sai diện tích nhà ở.

"Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập, quy định đến cách tính diện tích nhà ở; đồng thời, nếu xác định đây là hành vi vi phạm, cần làm rõ ý thức chủ quan, yếu tố lỗi trong việc áp dụng cách tính sai diện tích để làm cơ sở xác định đây là hành vi bị nghiêm cấm", đại biểu Hạnh phát biểu.

Về công nhận quyền sở hữu nhà ở, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đề nghị rà soát lại quy định để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn, xác định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được cấp loại giấy chứng nhận gì. Đại biểu cho rằng nên thống nhất lại theo quy định tại Điều 22 là phù hợp.