Dân Việt

Quốc hội thông qua hàng loạt vấn đề "nóng" tại Luật Giá và Nghị quyết về ngân sách nhà nước

An Linh 19/06/2023 15:43 GMT+7
Với hơn 92,91% và 95,75% đại biểu biểu quyết tán thành, chiều ngày 19/6 Quốc hội thông qua Luật Giá sửa đổi và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chỉ bình ổn giá khi biến động bất thường về giá trong thời gian nhất định

Theo đó, Luật Giá sau khi được tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Về phạm vi điều chỉnh, luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá.

Luật Giá quy định, bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi giá biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Quốc hội thông qua hàng loạt vấn đề nóng tại Luật Giá và Nghị quyết về Ngân sách Nhà nước - Ảnh 1.

92,91% đại biểu Quốc hội tán thành biểu quyết thông qua Luật Giá sửa đổi (Ảnh: Quochoi.vn)

Luật Giá cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ. 

Luật Giá cấm lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…

Luật Giá cũng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong việc đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bình ổn giá. Các tỉnh được đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định.

Quốc hội thông qua hàng loạt vấn đề nóng tại Luật Giá và Nghị quyết về Ngân sách Nhà nước - Ảnh 2.

Trên 95% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sach nhà nước năm 2021 (Ảnh: QH).

Với với 473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó, nghị quyết quy định tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước; bội chi ngân sách nhà nước bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm. 

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu vi phạm về ngân sách nhà nước

Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2023, tiếp tục thực hiện các quyết nghị chưa hoàn thành tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước; có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Quốc hội thông qua hàng loạt vấn đề nóng tại Luật Giá và Nghị quyết về Ngân sách Nhà nước - Ảnh 3.

Đại biểu thông qua các luật chiều ngày 19/6 tại Quốc hội

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 chậm so với thời gian quy định.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tiếp tục chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất bảo đảm bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ và khả năng thực hiện.

"Quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu ngân sách nhà nước bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Lập dự toán chi ngân sách nhà nước bảo đảm sát đúng yêu cầu và khả năng thực hiện", Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ. 

Bên cạnh đó, Nghị Quyết Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước. Tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và năm 2020 trở về trước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với Kiểm toán Nhà nước; Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện nghị quyết này.