Vì sao Chính phủ rút đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn giá?
Vì sao Chính phủ rút đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn giá?
An Linh
Chủ nhật, ngày 18/06/2023 10:24 AM (GMT+7)
Sau khi cân nhắc, Chính phủ thống nhất không đưa thịt lợn (thịt heo) vào danh mục hàng bình ổn giá như đề xuất tại dự thảo Luật Giá sửa đổi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Trước đó như Dân Việt đưa tin, chiều 23/5, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, mặt hàng thịt lợn có nhu cầu lớn, cơ bản, thiết yếu với người dân nếu gặp sự cố về dịch bệnh, cung ứng sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân. Chính vì vậy, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội "bổ sung thịt lợn vào danh mục các mặt hàng khác sẽ thực hiện bình ổn trong điều kiện khẩn cấp".
Đại biểu Nguyễn Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho rằng: "Thịt lợn không phải là thiết yếu, do thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang sử dụng nhiều sản phẩm thuỷ sản, trứng gia cầm, thịt bò. Trong khi đó, rất khó có thể tính toán được chi phí chăn nuôi lợn vì chăn nuôi của chúng ta hiện nay đang nhỏ lẻ, hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất thấp, dịch bệnh còn đang là thách thức".
Với nguồn cung và thị trường, đại biểu Anh cho rằng: Hiện 80% thịt lợn được bán trên chợ truyền thống nên việc tính toán giá thành sản phẩm, hỗ trợ giá dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó. Bên cạnh đó, nếu đưa vào mặt hàng bình ổn giá thì cần kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang khó khăn.
Đại biểu cho biết. "Qua nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, chưa quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn. Từ lý do nêu trên một số hiệp hội, ngành hàng nêu lý do cần đánh giá tác động đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi".
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ điều tiết hiệu quả, căn cơ về thị trường thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng. Chính phủ cần có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lạnh, trữ đông thịt gia súc, gia cầm để điều tiết giá. Khi giá thịt xuống mức thấp, xả kho để bình ổn giá, cần có chính sách hỗ trợ tái đàn của người chăn nuôi, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cả người chăn nuôi, người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.
Tại báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng thống nhất bỏ sữa cho người già khỏi danh mục hàng bình ổn. Như vậy hàng bình ổn giá hiện tại chỉ còn: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm; phân DAP phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cũng tại báo cáo này, Chính phủ giữ quan điểm quy định giá trần cho vé má bay (giá vé nội địa). Trước đó tại thảo luận, Ủy ban Tài chính ngân sách, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc giữ quy định về giá trần, bỏ giá sàn với vé máy bay là cần thiết.
Hiện, giá trần vé máy bay nội địa không thay đổi 8 năm nay, Bộ Giao thông vận tải dự kiến tăng mức trần, với mức tăng trung bình 3,75% so với hiện tại. Với chặng bay trên 1.280 km, giá trần dự kiến tăng đến 4 triệu đồng/lượt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.