Vừa qua, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vừa tổ chức Lễ công bố hoàn thành dự án "Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới". Mộc bản Triều Nguyễn là khối di sản quý giá có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn hóa thời kỳ cận đại, ghi chép về việc giao thương kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, Dự án Bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn do Quỹ Bảo tồn Văn hóa Đại sứ Hoa kỳ viện trợ năm 2020 đã được thực hiện thành công với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều cán bộ lưu trữ tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
"Với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng do Quỹ Bảo tồn Văn hóa Đại sứ Hoa kỳ viện trợ năm 2020, thành công lớn nhất của dự án, không chỉ là bảo tồn, trùng tu 500 tấm mộc bản triều Nguyễn đã xuống cấp mà quá trình thực hiện dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý di sản và người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản, giúp rèn luyện kỹ năng bảo quản mộc bản cho các cán bộ phụ trách bảo quản Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV", ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Đến nay, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang lưu trữ 34.555 mộc bản triều Nguyễn khắc chữ Hán. Tuy nhiên, qua một thời gian dài, cộng với sự ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, 500 mộc bản đã bị nấm mốc, mối mọt. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số hoạt động để bảo vệ các tài liệu mộc bản này như cải tạo nhà kho, loại bỏ các tạp chất và nấm mốc trên bề mặt gỗ.
Ngoài giá trị về mặt sử liệu, mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật chế tác, thể hiện sự phát triển nghề khắc in bản gỗ của nền văn minh, văn hóa nhân loại. Chính vì vậy, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO xếp hạng trong di sản tư liệu thế giới ngày 31 tháng 7 năm 2009. Đây là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Video cận cảnh Mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ, bảo tồn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Như đã nói, Mộc bản triều Nguyễn là tài liệu đặc biệt bởi được viết bằng chữ Hán Nôm khắc ngược trên gỗ để in lên giấy, đóng thành sách. Đây là loại tài liệu phổ biến của thời phong kiến Việt Nam còn được lưu trữ đến nay.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư xây dựng kho tàng để bảo vệ, xử lý những mộc bản có tình trạng vật lý không tốt với mục đích là gìn giữ lâu dài khối di sản tư liệu đã được UNESCO xếp hạng di sản tư liệu thế giới, trong đó có những mộc bản, những cuốn sách lịch sử quan trọng nhất của đất nước.
Với sự đầu tư rất lớn của Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã có đầy đủ điều kiện để lưu giữ mộc bản một cách lâu dài. Đặc biệt, với định hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của Chính phủ, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đã trình với Bộ Nội vụ một số dự án để số hóa 3D khối tài liệu mộc bản để đưa lên internet. Thông qua đó, để không chỉ người Việt Nam mà còn để bạn bè quốc tế có thể biết đến, đặc biệt là khai thác thông tin gốc, những sử liệu gốc từ mộc bản".
Nói về Mộc bản triều Nguyễn, ông Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay: "Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ rất vinh dự được chung tay cùng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trong việc bảo tồn kho báu quý giá này thông qua chương trình Quỹ bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ.
Kể từ khi bắt đầu vào năm 2001, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam 16 dự án, với tổng giá trị lên đến hơn 1,2 triệu đô la Mỹ, góp phần bảo tồn nền di sản văn hóa đa dạng và độc đáo của Việt Nam. Chúng tôi cũng vừa đề cử một dự án cho năm nay, hy vọng sẽ góp phần làm tăng số lượng dự án được tài trợ tại Việt Nam"
Ông Marc E. Knapper cũng cho biết, Mộc bản Triều Nguyễn là một loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác. Được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, mộc bản là nguồn tài liệu tin cậy quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Ông cũng gửi lời khen ngợi đến tất cả mọi người đã tham gia vào dự án bảo tồn mộc bản của Việt Nam.