Công an Đà Nẵng cho biết vừa khởi tố vụ án Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, theo Điều 291 Bộ luật hình sự.
Vụ án khởi nguồn từ việc tại Đà Nẵng xuất hiện một nhóm người đăng trên Facebook, Telegram, Zalo các bài viết làm dịch vụ "tra soát thông tin cá nhân của khách hàng tại 22 hệ thống ngân hàng trên toàn quốc".
Công an thành phố điều tra và phát hiện đường dây mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. H.Đ.N, 30 tuổi, trú tại Đà Nẵng là nghi phạm đầu tiên bị tạm giữ. Nhiều nhân viên của 13 ngân hàng thương mại cổ phần ở một số địa phương bị triệu tập.
N. khai từ tháng 10/2022 tham gia nhóm Facebook tên "Tài khoản ngân hàng A.T.M". Tại đây, nhiều người đăng tải các bài viết trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác.
Thấy công việc dễ thực hiện, N. sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Telegram của mình và người yêu để đăng tải bài viết có nội dung nhận làm dịch vụ tra soát thông tin.
Khi có khách liên hệ mua thông tin tài khoản ngân hàng (chủ tài khoản, số CCCD hoặc CMND, địa chỉ, số điện thoại internet banking...), N. liên hệ các đầu mối trên mạng và một số nhân viên ngân hàng để tra soát, thu thập thông tin.
Tùy từng ngân hàng, N, trả tiền cho người cung cấp giá từ 200 nghìn đồng đến 1,9 triệu đồng/tài khoản, hưởng chênh lệch khi bán từ 300 nghìn đồng đến 2,2 triệu đồng.
N. thừa nhận đã trao đổi, mua bán thông tin hơn 200 tài khoản và thu lợi bất chính hơn 400 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, thông tin khách hàng lưu giữ tại các ngân hàng và thông tin tài khoản ngân hàng là những thông tin thuộc về bí mật cá nhân, nếu bị lộ rất dễ dẫn đến việc trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị đánh cắp tiền trong tài khoản hoặc phát sinh những rắc rối không đáng có.
Thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cũng là một trong những thông tin quan trọng cần phải bảo mật trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng phải có trách nhiệm bảo mật và bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng.
Theo ông Cường, hành vi sao chép, thu thập, bán thông tin khách hàng của các nhân viên ngân hàng không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Hành vi này xâm phạm trực tiếp đến bí mật đời tư, bí mật cá nhân của khách hàng, đồng thời còn có thể là hành vi tiếp tay cho tội phạm và gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình xác minh, xử lý đối với tội phạm công nghệ cao. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý các đối tượng này là cần thiết.
Các đối tượng thực hiện hành vi sao chép, thu thập, bán tài khoản ngân hàng có thể bị xử lý về nhiều tội danh khác nhau. Trong đó có thể là đồng phạm trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo Điều 291 Bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể tới 7 năm tù.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, trong vụ việc trên, tùy vào tính chất mức độ hành vi, nhận thức mà các đối tượng sẽ bị xử lý bằng các chế tài khác nhau.
Cụ thể, nếu các đối tượng biết rõ là đối tượng mua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn bán tài khoản ngân hàng của khách hàng, đây là hành vi giúp sức cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vì thế, trong trường hợp này cơ quan điều tra có thể khởi tố người bán tài khoản ngân hàng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm theo Điều Điều 174 Bộ luật hình sự.
Còn trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được giữa đối tượng bán tài khoản ngân hàng với đối tượng mua có biết về động cơ mục đích để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể xử lý các đối tượng về tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt có thể tới 7 năm tù.