Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ các loại rùa quý hiếm? (Bài 3)

Như Ý - Thảo Ly - Nguyễn Liễu Thứ năm, ngày 22/06/2023 08:13 AM (GMT+7)
Sau một thời gian PV khảo sát thực trạng về việc buôn bán rùa tràn lan, trái phép ở nhiều nơi, câu hỏi đặt ra ở đây là: Cơ quan chức năng đang ở đâu và đã làm gì? Bài toán nan giải liệu có phương pháp để giải quyết?
Bình luận 0
Bài 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 1.

Kỳ 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 2.

Hiện nay các loài rùa ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do môi trường sống bị suy thoái hoặc mất môi trường sống. Đặc biệt nạn săn bắt và buôn bán trái phép các loài rùa tự nhiên… đang đẩy nhiều loài rùa vào nguy cơ suy giảm quần thể, thậm chí là tuyệt chủng. Rùa hiện bị săn bắt và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau từ làm thuốc, trang trí đến nuôi như thú cưng và vật phong thủy. Điều này khiến các loài rùa bị săn lùng và rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Kỳ 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 3.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Wildlife Conservation Society – Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam), trong 84 loài động vật hoang dã bị các đối tượng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt... bất hợp pháp bị bắt giữ trong giai đoạn 2020-2021, các loài thuộc nhóm rùa bị vi phạm nhiều nhất, chiếm gần một phần ba tổng số cá thể bị tịch thu.

Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội cũng trở thành "miếng mồi" béo bở cho các tay buôn. Theo tài liệu mà phóng viên có được, trong tổng số có 143 trang liên quan tới hoạt động nuôi và buôn bán rùa, có 96 trang còn cập nhật trong năm 2021 và 250 nhóm facebook liên quan đến hoạt động buôn bán rùa còn hoạt động trong năm 2021, trong đó có 200 nhóm có hoạt động thường xuyên, 50 nhóm ít hoạt động (dưới 1 bài 1 tháng).

Trong năm 2022, ghi nhận cơ quan chức năng cả nước đã giải cứu 552 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt, trong đó tịch thu 590 cá thể và tiếp nhận chuyển giao 122 cá thể. Trước đó, riêng trong năm 2021 đã có 1.071 cá thể rùa còn sống được giải cứu từ 79 vụ vi phạm bao gồm nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm.

Kỳ 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 4.

Trong một khảo sát hơn 400 ngôi chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thực hiện vào đầu tháng 07/2022, nhiều nơi vẫn ghi nhận hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh rùa.

Qua thăm dò và khảo sát, nhóm phóng viên nhận thấy rằng thực chất, nhiều người dân vẫn đang còn hiểu sai ý nghĩa và bản chất của hành động phóng sinh. Nhiều người lựa chọn phóng sinh như một phép lành mang lại may mắn về tinh thần lẫn vật chất cho họ nhưng việc thả rùa vào ao chùa hay bất cứ khu vực nào khi chưa hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các loài rùa là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa.

Nhiều loài rùa như rùa núi vàng, rùa núi viền thường bị phóng sinh xuống ao nhưng trên thực tế, nhiều loài rùa không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao. Trong quá trình khảo sát thực tế, nhóm phóng viên đã chứng kiến những dòng sông, kênh rạch chằng chịt xác rùa và cá phóng sinh.

Bài 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 5.

Hành động tưởng chừng như đi tìm may mắn cho bản thân nhưng bản chất lại trở thành "bàn tay vô hình" nâng đỡ các hoạt động phạm pháp. Liệu việc người dân thiếu kiến thức phóng sinh có được coi là một tội ác khi tiếp tay cho những gã buôn? Không chỉ dừng lại ở đó, hành vi phóng sinh còn cản trở các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã của các cơ quan chức năng, tổ chức; gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Trao đổi với phóng viên về công tác bảo tồn rùa hiện nay, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) nhận định: "Để cứu loài rùa trước nguy cơ suy giảm và tuyệt chủng ngoài tự nhiên, điều trước tiên là cần thắt chặt công tác thực thi pháp luật để xử lý các hành vi quảng cáo, vận chuyển, buôn bán, săn bắt rùa. Chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp luật liên quan, tuy nhiên việc thực thi pháp luật trên thực tế còn hạn chế".

Bên cạnh đó, bà Hằng cũng nhấn mạnh: "Các cơ quan chức năng cũng cần chú trọng hơn nữa việc rà soát buôn bán rùa trên mạng như một kênh quan trọng của thị trường này. Đồng thời, cần có hoạt động phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để kiểm soát việc lợi dụng các nền tảng này cho việc buôn bán rùa trái phép. Điều quan trọng nữa là cần nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo tồn rùa và các quy định pháp luật liên quan vì đôi khi chính người mua, tiêu thụ hoặc nuôi rùa cũng do không có sự hiểu biết về pháp luật".

Kỳ 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 5.

Kỳ 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 6.

Những con số thống kê về vi phạm rùa ngày càng tăng cao cho thấy rào cản trong công tác quản lý và bảo vệ rùa ở nước ta hiện nay. Mức độ buôn bán rùa xuất hiện nhiều ở một bộ phận người dân, trong khi lực lượng chức năng đang ra sức ngăn chặn, phát hiện và kịp thời bắt giữ những vụ việc vận chuyển buôn bán rùa như đã nêu trên.

Tuy nhiên, khi việc phóng sinh hay nuôi nhốt chưa được hiểu đúng và hiểu rõ thì việc buôn bán rùa tràn lan và trái phép vẫn còn tiếp diễn. Phải khẳng định, nếu có không có giải pháp ngăn chặn kịp thời đến từ cơ quan chức năng và người dân thì với tình trạng này, loài rùa chắc chắn sẽ bị tuyệt chủng.

Trao đổi về khó khăn lớn nhất trong công tác xử lý vi phạm rùa, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: "Khó nhất là xác minh đối tượng vi phạm, nhất là buôn bán trên mạng. Dù vậy, vẫn có thể có cách thức phù hợp để xử lý được. Vi phạm thường gặp là ngà voi, sừng tê giác, tê tê, gấu, hổ. Đối với rùa, nếu tính riêng từng loài thì số lượng vi phạm có thể không nhiều nhưng nếu tính tổng các loại rùa cạn và rùa biển thì con số nhiều. 

ENV thống kê được hơn 2.000 vi phạm về loài rùa cạn và nước ngọt và rùa biển ở Việt Nam, tất cả các loài đều được ghi nhận vi phạm trừ rùa Hoàn Kiếm. Rùa núi vàng, sa nhân, núi viền… bị buôn bán nhiều nhất. Rùa ngoại lai cũng có tới hơn 200 vụ vi phạm, nếu nuôi nhốt loài này có nguy cơ rất lớn với đa dạng sinh học Việt Nam".

Bài 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 8.

Trước đó, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hàng tấn rùa bị nhập lậu vào Việt Nam từ Lào và Campuchia, nhiều trường hợp trong số đó sẽ được "hợp pháp hóa" tại các cơ sở gây nuôi được cấp phép trước khi vận chuyển về phía bắc và "vượt biên" sang Trung Quốc. 

Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một "điểm nóng" thường xuyên ghi nhận hoạt động buôn bán rùa trên đường phố. Hiện tượng này đã diễn ra trong một thời gian dài, bất chấp chỉ đạo xử lý quyết liệt của Ủy ban nhân dân thành phố. Một số "đầu nậu" chuyên cung cấp rùa cho các đối tượng bán rong trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã bị phát hiện và xử lý.

Trong giai đoạn 2021 và 2022, nhiều mức án nghiêm khắc từ 09 tháng lên tới 10,5 năm tù được áp dụng với các đối tượng buôn bán rùa trái phép cũng đã cho thấy những nỗ lực đáng kể trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn bán rùa trái phép. 

Gần đây nhất, ngày 20/06/2022, Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả vừa tuyên phạt Nguyễn Đức Trường (sinh năm 1996, trú tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) mức án hơn 10 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép 37 cá thể rùa quý, hiếm. Cùng với phụ xe, đối tượng nhận hàng là Nguyễn Văn Đặng (sinh năm 1971, trú tại xã Hải Đông, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cũng phải nhận mức án 7 năm tù.

Bài 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 9.

Những vụ việc được phát hiện dường như vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vẫn còn vô số những tay buôn rùa bất nhân nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Những kẻ này vẫn sẽ thu được món hời lớn từ việc săn lùng, bán đi những thứ rùa hiếm lạ, xét cho cùng chỉ khi "dân chơi rùa rởm đời" hết hẳn cái thú vui này thì những tay buôn rùa lậu mới hết đất làm ăn. Thế nhưng, câu hỏi về việc bao giờ thú vui hạ nhiệt? Có thể trở thành dân chơi rùa thứ thiệt hay không? Hay liệu có thể giảm thiểu hành vi mua bán lậu… khiến phóng viên trăn trở và tiến hành tìm kiếm câu trả lời.

Kỳ 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa - Ảnh 9.

Nuôi rùa không phải hành vi xấu nhưng nuôi như thế nào, đối xử với vật nuôi ra sao mới là điều cần được lưu tâm. Và để những "dân chơi rùa" có cái nhìn đúng đắn và khoa học, nhóm phóng viên đã chủ động liên hệ với một số chuyên gia để đưa ra những đánh giá phù hợp và chính xác về việc "xem rùa là bạn".

Việc nuôi rùa cảnh không thể gây hại nếu người nuôi có thể đảm bảo rằng các cá thể rùa được nuôi là hợp pháp và có nguồn gốc từ trang trại nhân nuôi sinh sản được cấp phép. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có tình trạng rùa bị săn bắt ngoài tự nhiên được đưa vào "rửa" qua các trang trại gây nuôi, vì vậy cũng không nên nuôi các loài rùa thuộc nhóm quý hiếm bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng để tránh tiếp tay cho các hành động săn bắt và hợp pháp hóa rùa tự nhiên qua các trại gây nuôi - Phóng viên Báo điện tử Dân Việt từng vạch trần thủ đoạn này.

Một số chuyên gia cho rằng: Khi đã nuôi rùa thì người nuôi cần đảm bảo yếu tố vệ sinh dịch tễ và cách ly các thành viên gia đình để tránh tiếp xúc với kí sinh trùng trên cơ thể rùa. Không nên nuôi rùa khi nhà có trẻ nhỏ, người già hoặc những người có hệ thống miễn dịch yếu… Đặc biệt, khi không còn nhu cầu nuôi rùa, người nuôi không nên tái thải tùy ý vào môi trường tự nhiên mà cần liên hệ trực tiếp với lực lượng chức năng hoặc các sở cứu hộ, bảo tồn để tìm giải pháp xử lý phù hợp".

Như vậy, việc nuôi rùa cảnh là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, núp bóng rùa cảnh để kinh doanh rùa cấm là "quả bom nổ chậm" gây nguy cơ tuyệt chủng cho các loài rùa. Nhận định về vấn đề này, TS. Phạm Thế Cường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) cho hay: "Không thể đánh đồng người được phép nuôi và những người nuôi bất hợp pháp. Giải pháp tốt nhất là sự kiểm soát chặt của cơ quan địa phương (giám sát trại nuôi, lượng động vật hàng năm…), tuy nhiên, thực tế hiện nay thì việc kiểm soát, quản lý vẫn còn nhiều lỗ hổng. Các loài ngoại lai hầu hết đều bị nhập bất hợp pháp, nếu phát hiện sẽ bị tịch thu, do đó, chủ yếu vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch".

Đứng trước những bất cập, hạn chế các vấn nạn về rùa, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, các ban ngành liên quan cần sớm quan tâm và có hướng giải quyết phù hợp. Có như vậy, trong tương lai xa rùa mới không bị buôn bán trái phép dẫn tới mất dần và tuyệt chủng.

Bài cuối: Bảo vệ động vật hoang dã: "Cần chuyển từ cam kết cao thành hành động ngay"

Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ các loại rùa quý hiếm? - Ảnh 11.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem