Chiều 24/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo nghị quyết, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung báo cáo của đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến hết năm 2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỉ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh, xã hội bao gồm ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng…
Hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch trên 87.000 tỷ đồng; chi chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch (quân đội, công an, y tế...) 4.487 tỷ đồng; mua vắc xin phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng…
Nghị quyết cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Đáng chú ý, đã có những sai phạm nghiêm trọng liên quan sản xuất, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về.
Nhiều cán bộ ở trung ương, địa phương và các cá nhân có liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Theo Nghị quyết, những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh và phức tạp nên việc chuẩn bị và thực hiện các giải pháp ứng phó rất khó khăn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Hệ thống pháp luật hiện hành chưa dự báo hết các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19, chậm được sửa đổi, bổ sung.
Một số chính sách ban hành trong bối cảnh cấp bách nên chưa có thời gian đánh giá kỹ tác động, chưa bao quát, chậm cụ thể hóa. Việc triển khai, thực hiện một số văn bản còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương và địa phương còn có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.
Nhiều trường hợp tiếp nhận tài trợ thiếu hồ sơ, giấy tờ cho, tặng, thiếu cơ sở xác định giá trị hàng hóa, tài sản dẫn đến khó khăn trong xác lập sở hữu toàn dân và quản lý, sử dụng.
Trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch.
Các bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm chính trong việc chưa kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thanh toán, quyết toán, bàn giao tài sản, xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ.
Các địa phương trong một số trường hợp ban hành văn bản cụ thể hóa còn chậm, tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, chưa kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.