Với 481/482 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 97,37%), Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề gỡ khó các vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất xử lý hàng loạt vấn đề phát sinh liên quan đến tình trạng thiếu điện, các trường hợp vi phạm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ đang khiến dư luận bất bình thời gian qua.
Báo cáo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, khả thi; tổ chức thực hiện quyết liệt. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành lãi suất phù hợp diễn biến của lạm phát.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
"Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật", Quốc hội yêu cầu.
Ngoài ra là chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kịp thời xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản thu, chi không đúng quy định đã được kết luận, kiến nghị.
Trước đó như Dân Việt đưa tin, ngày 31/5 tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn đại biểu Bắc Kạn) đã nêu rõ hàng loạt vấn đề của bảo hiểm nhân thọ và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Bà Thuỷ yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý hoạt động bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, đồng thời với những kiện cáo, kêu cứu của người dân, đại biểu quốc hội đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ sai phạm, truy tố tội lừa đảo khách hàng nếu có.
Theo đại biểu Thuỷ, những sự cố về bảo hiểm nhân thọ thời gian vừa qua đã khiến nhiều người lo ngại phải kiểm tra hợp đồng, hoang mang, nhiều người đem hợp đồng đến công ty, đại lý bảo hiểm nhưng thông tin nhận được khác hoàn toàn với thông tin tư vấn viên đưa ra trước đó.
Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết và đầu tư.
Với Bộ Công an, đại biểu Thuỷ đề nghị từ những đơn tố cáo, phản ánh vừa qua, Bộ Công an xác minh, làm rõ có hay không có tội cố ý lừa đảo khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố, điều tra.
Với các công ty bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát làm rõ quy trình của mình, trong đó có thiết kế hợp đồng, tư vấn bảo hiểm, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại với khách hàng. Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ.