Dân Việt

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật

Doãn Công 26/06/2023 08:10 GMT+7
Tròn 30 năm dành hết tâm huyết, bà Nguyễn Thị Thanh Nga ở Bình Định đã hỗ trợ, giúp đỡ được rất nhiều số phận kém may mắn được học chữ, học nghề, tự tin trong cuộc sống.

30 năm xây tổ ấm cho người khuyết tật

Chi hội Nguyễn Nga (NNC) thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định do bà Nguyễn Thị Thanh Nga (ở TP Quy Nhơn, Bình Định) làm chi hội trưởng, được thành lập năm 1993. Cơ sở là tổ ấm của biết bao người khuyết tật ở trong, ngoài tỉnh. Nhiều người yêu quý gọi là "bà tiên" nhưng bà xem đó là nhân duyên, hay đơn giản là công việc bà yêu thích.

Ở tuổi 60, bà Nguyễn Thị Thanh Nga vẫn đau đáu với việc dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật. Suốt 30 năm qua, cơ sở Nguyễn Nga đã giúp hàng ngàn người kém may mắn biết cái chữ, có cái nghề để có thể tự lo cho bản thân.

Việc đó giúp người khuyết tật không còn mặc cảm và chứng minh rằng dù tạo hóa không cho họ một thân thể lành lặn nhưng vẫn có thể làm nên những điều phi thường.

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga với những người khuyết tật học nghề và làm việc tại cơ sở. Ảnh: Doãn Công

Vốn sinh ra ở thị trấn Đập Đá (nay là phường Đập Đá, thị xã An Nhơn), năm 1990, em gái chẳng may bị tai nạn giao thông gãy xương đùi, bà Nga đưa em đi chữa trị ở nhiều bệnh viện từ Quy Nhơn, Đà Nẵng rồi đến Hà Nội.

Suốt 3 năm nuôi em gái ở bệnh viện, bà Nga chứng kiến bao hoàn cảnh, thân phận khốn khó, người bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, người khuyết tật mất khả năng lao động. Lúc đó, trong đầu bà đã nuôi ý định lập cơ sở dạy nghề đan len, thêu để giúp đỡ những người kém may mắn, trong đó có em gái mình.

Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga ra đời từ đó. Từ chỗ chỉ vài ba người ở quanh thị trấn Đập Đá đến học, càng về sau, số học viên ngày một đông, không chỉ người trong tỉnh mà ở ngoài tỉnh cũng đến xin học.

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Bà Gái ngồi xe lăn dạy đàn cho một học sinh khiếm thị tại cơ sở. Ảnh: Doãn Công

"Công việc này đến với tôi như một nhân duyên vậy, được dẫn dắt từ khi em gái tôi bị tai nạn. Suốt quãng thời gian ở bệnh viện, tôi vừa chăm sóc em vừa giúp đỡ hoàn cảnh này, hoàn cảnh kia. Khi về quê, tôi suy nghĩ, trăn trở muốn đi làm công việc này, nhưng thú thật lúc đó không hiểu từ thiện sẽ làm thế nào luôn. Ngày ấy tôi còn quá trẻ, tiền không có và cha mẹ cũng không đồng ý", bà Nga kể lại.

Tháng 7/1993, bà Nga dời cơ sở từ thị trấn Đập Đá khi ấy đến trung tâm TP Quy Nhơn. Nơi đây dần trở thành "tổ ấm" của biết bao số phận kém may mắn. Không chỉ dạy nghề cho người khuyết tật, bà Nga còn tổ chức sản xuất. Những học viên muốn ở lại cơ sở để làm việc, bà đều nhận, chi tiền lương theo sản phẩm.

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Bà Nga tổ chức đám cưới cho người khuyết tật tại cơ sở. Ảnh: NVCC

"Bất kỳ người khuyết tật nào đến với cơ sở đều được nhận, tôi không từ chối một ai. Chúng tôi cho các em trải nghiệm học nhiều nghề khác nhau một thời gian. Sau đó, các em tự xác định nghề sở trường để theo đuổi. Mục đích cuối cùng là để các em có được cái nghề, sau này không phải phụ thuộc vào ai", bà Nga chia sẻ.

Tròn 30 năm thành lập, trải qua bao thăng trầm, bà Nga nhiều lần tưởng như "hụt hơi" nhưng sau đó vẫn bền bỉ thực hiện tâm nguyện, tâm huyết của mình. Đến nay, cơ sở Nguyễn Nga đã đào tạo hàng ngàn người khuyết tật biết chữ, có nghề nghiệp. Đặc biệt, bà Nga còn chăm lo tổ chức đám cưới cho nhiều người khuyết tật làm ở cơ sở.

"Những chị em tật nguyền, trẻ em kém may mắn đã chiếm trọn tình cảm của tôi. Những gì tôi đã và đang làm cho họ tuy bé nhỏ nhưng cần thiết. Tôi chỉ mong ước mọi người khuyết tật đều có cuộc sống bình đẳng. Chúng tôi có ngày hôm nay, tất cả nhờ sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, ban ngành, nhà hảo tâm", bà Nga chia sẻ.

"Hồi sinh" những mảnh đời thiếu may mắn

Hơn 20 năm trước, bà Nguyễn Thị Gái (50 tuổi, biệt danh Thi Nữ, quê ở huyện Tây Sơn, Bình Định) đã biết đến cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga. Bà Gái chia sẻ, lúc 1 tuổi, bà bị sốt cao khiến hai chân bại liệt. Kể từ đó, bà Gái chỉ có thể lê lết dưới nền nhà, đến trường học phải cha mẹ cõng.

"Ở đây, tôi học rất nhiều nghề từ may đến đan lát, thêu rồi học chơi đàn nhưng làm cái gì đều không như mong đợi nên đã có lúc tôi bị trầm cảm. Bình tâm, tôi lại nghĩ mình phải chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, vậy nên tôi luôn cố gắng sống bằng sức lao động của mình, không muốn làm gánh nặng cho gia đình", bà Gái tâm sự.

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật - Ảnh 4.

Những người khuyết tật tại cơ sở đều có công việc đem lại thu nhập ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân. Ảnh: Doãn Công

Hiện bà Gái là thành viên nhóm nhạc S-Girl của cơ sở. Đây là nhóm nhạc biểu diễn phục vụ khách trải nghiệm tại khu vườn tái chế tại xã Long Mỹ, TP Quy Nhơn.

Hàng ngày, bà Gái đảm nhận việc dạy kèm văn hóa, dạy đàn cho trẻ khuyết tật tại cơ sở. Buổi tối, bà nhận dạy đàn tranh cho con em những gia đình ở Quy Nhơn có nhu cầu.

"Hơn 10 năm sống ở đây, tôi cảm nhận âm nhạc giúp mình gần gũi, tự tin hơn khi giao lưu với mọi người. Đặc biệt, tôi cảm nhận rõ những trẻ em khuyết tật khi học nhạc trở nên mạnh mẽ hơn cả về sức khỏe lẫn ý chí", bà Gái nói.

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật - Ảnh 5.

Đồ chơi trẻ em được làm từ các vật dụng phế thải ở vườn tái chế. Ảnh: Doãn Công

Hơn 10 năm trước, chị Cao Thị Ngọc Phượng (ở TP Quy Nhơn, bị bại liệt 2 chân từ 15 tháng tuổi) cũng học nhạc tại đây. Chị Phượng là "ca sĩ" nhóm nhạc S-Girl, không chỉ có giọng hát hay mà còn biết đàn tranh.

Cách đây hơn 2 năm, chị Phượng đã lập gia đình với người cùng cảnh ngộ quê Thanh Hóa. Hàng ngày, ngoài thời gian cùng chồng đi hát và bán kẹo kéo để lo con hơn 1 tuổi, khi có "show" diễn, chị Phượng cùng các thành viên nhóm nhạc đem tiếng hát, tiếng đàn phục vụ khán giả.

"Hãy sống cho chính cuộc đời mình, sống hết mình với ngọn lửa trong tim. Tôi tin mình làm được, các bạn cũng làm được và chúng ta làm được. Hãy làm cho mọi người tự hào về chúng ta vì quanh ta luôn có hàng triệu người quý mến, thương yêu mình", chị Phượng nhắn nhủ đến người đồng cảnh ngộ.

Cũng ngót 10 năm ở tổ ấm Nguyễn Nga, anh Phan Huỳnh Anh Toan (35 tuổi) bị tật 2 chân phải dùng nạng để di chuyển. Anh Toan chia sẻ, trước khi tìm đến cơ sở Nguyễn Nga anh đang học năm 2 ngành công nghệ thông tin ở TPHCM.

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật - Ảnh 6.

Anh Huỳnh Anh Toan có 10 năm ở tổ ấm. Ảnh: Doãn Công

Hiện, ngoài công việc chính là hỗ trợ về tin học cơ bản và xóa mù chữ cho người khuyết tật, anh Toan phụ giúp hỗ trợ ban nhạc và nhiều công việc ở vườn tái chế. Quan trọng hơn là anh không cảm thấy mặc cảm với thân hình nhỏ bé của mình khi đối diện với những bình thường.

Với anh Toan, sống là không hối tiếc, sống cho hôm nay và ngày mai. Vậy nên quyết định không học đại học chẳng khiến anh mất đi động lực để cố gắng.

"Công việc hiện tại của tôi đang làm đã xóa lấp đi phần nào hối tiếc mà tôi đã từ bỏ. Tôi bằng lòng với công việc hiện tại nhưng chưa hài lòng vì còn cuộc sống còn rất nhiều điều cần phải cố gắng thêm", anh Toan tâm sự.

Người dành tâm huyết xây tổ ấm cho người khuyết tật - Ảnh 7.

Người khuyết tật tự tin khi được học và có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân. Ảnh: Doãn Công

Ông Bùi Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định đánh giá, Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga là một trong bảy chỉ hội trực thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em của tỉnh, hoạt động chủ yếu là dạy nghề cho người khuyết tật như may, thêu, đan lát, tin học, âm nhạc…

"So với 6 chi hội còn lại, Nguyễn Nga hoạt động tương đối tốt và bài bản. Nổi bật hơn các chi hội khác là vừa tổ chức dạy nghề, vừa tổ chức sản xuất tại chỗ. Qua đó, các sản phẩm của người khuyết tật bán ra thị trường, có nguồn thu nhập góp phần nâng cao đời sống của người khuyết tật tại trung tâm. Chúng tôi hy vọng, trung tâm sẽ tiếp tục duy trì, hoạt động có hiệu quả để người khuyết tật có cơ hội thể hiện mình, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống", ông Dũng chia sẻ.