Hiện, vùng Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ có 7 nhà máy thủy điện thuộc EVN có lưu lượng nước về khá cao lên đến hàng trăm m3/s.
Thời điểm 11 giờ ngày 26/6, lượng nước về cao nhất là hồ thủy điện Sơn La với 565 m3/s, hồ thủy điện Tuyên Quang với hơn 515,3 m3/s, hồ thủy điện Lai Châu hơn 541 m3/s, hồ thủy điện Bản Chát hơn 128 m3/s và hồ thủy điện Hòa Bình hơn 273 m3/s... Tuy nhiên, hiện chỉ còn duy nhất Nhà máy thủy điện Hòa Bình phát điện, với lưu lượng xả qua nhà máy hơn 253 m3/s.
Trao đổi với PV Dân Việt sáng ngày 26/6, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình cho biết: Nước về hồ Hòa Bình đã ổn định, lượng mua hôm qua và mấy hôm trước có thể lên đến 1.000 m3/s. Nhưng sáng nay 26/6, nước về hồ đã giảm. Nếu lượng nước về hồ duy trì 1.000 m3/s trong thời gian một tuần, thủy điện Hòa Bình sẽ phát đủ tải công suất.
Theo ông Vương, nhiều ngày qua, Nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn phát 8 tổ máy, sản lượng phát điện từ 45 - 46 triệu kWh/ngày, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mong muốn chạy hết cỡ song cần phải điều độ hệ thống và giữ mực nước ổn định, duy trì chạy nhiều ngày.
Về lượng nước về hồ thời gian tới, ông Vương nhận định có thể có lũ nhỏ khi nước từ Lai Châu, Sơn La đổ về tương đối. Chính vì vậy, hy vọng thời gian tới, lượng nước về hồ Hòa Bình sẽ cao hơn, đủ để phát điện thời gian dài.
Tính đến 12 giờ ngày 26/6, cả nước có 16 nhà máy thủy điện phát điện ,tập trung chủ yếu là các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ. Riêng hai nhà máy thủy điện Sesan 3, Sesan 3A có mức xả nước qua nhà máy lớn nhất từ 462-542 m3/s.
Tuy nhiên, theo đại diện của EVN thời điểm hiện nay một số thủy điện chỉ phát điện cầm chừng, lưu lượng xả qua nhà máy chỉ bằng 30-70% trước kia, nhiều nhà máy vẫn chỉ hoạt động 1-2 tổ máy để đảm bảo mực nước dâng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó TGĐ Thủy điện Thác Bà cho biết: "Mưa trên sông Chảy không đáng kể, nên lưu lượng về hồ khá thấp. Dù hồ Thác Bà không còn nằm trong tình trạng ở mực nước chết và nước hồ đủ khả năng chạy 3 tổ máy. Tuy nhiên, EVN và điều độ hệ thống điện yêu cầu không vận hành để tích nước".
Theo ông Cường, nếu chạy tối đa công suất 3 tổ máy phát điện, thủy điện Thác Bà có thể chỉ phát điện trong vài ngày, lại phải ngưng máy, như vậy không đủ đảm bảo kỹ thuật.
Sáng 26/6, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện (ngày 26 tháng 6 năm 2023), trong đó nêu rõ lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên giảm nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ tăng nhẹ so với hôm qua; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm qua.
Theo Cục ATMT, mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhanh, cao hơn mực nước chết từ 07m đến 20m; Khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.
Cơ quan Bộ Công Thương cho biết, hiện lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng, các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước, hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo, một số hồ vừa, nhỏ, tràn tự do đã phải điều tiết nước lũ. Lượng nước về một số hồ khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
Các hồ mực nước thấp: Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3,Thác Mơ, một số thủy điện phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp: Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
Theo dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới các hồ khu vực Bắc Bộ giảm nhẹ ở mức cao; Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ, ở mức thấp.