Dân Việt

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình bất ngờ viết tâm thư trước thềm đại hội cổ đông

Quốc Hải 26/06/2023 16:36 GMT+7
"Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin nhận trách nhiệm của mình khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hòa Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của quý cổ đông...", ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình viết.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), vừa có thư gửi cổ đông trước thềm đại hội cổ đông thường niên, dự kiến diễn ra vào chiều mai, 27/6.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình bất ngờ viết tâm thư trước thềm đại hội cổ đông  - Ảnh 1.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC

Trong thư, ông Hải cho biết, trong hai năm 2020 và 2021, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 kéo dài đã giáng một đòn nặng nề lên toàn bộ nền kinh tế với nhiều hệ lụy cho ngành xây dựng, riêng Hòa Bình là sự sụt giảm doanh thu lên đến 40%. Đến cuối năm 2021, hệ quả của đại dịch Covid -19 còn gây ra sự biến động giá cả vật tư và nhân công, một lần nữa đã tạo thêm cơn sóng dữ cuốn đi phần lợi nhuận cực kỳ nhỏ nhoi còn lại của các nhà thầu.

Trong khi đó chính sách Zero Covid của Trung Quốc càng làm khó khăn hơn cho ngành du lịch Việt Nam và tác động rất xấu đến các doanh nghiệp bất động sản du lịch, những khách hàng của Hòa Bình.

Đầu năm 2022 chiến tranh Đông Âu khiến những hy vọng khôi phục kinh tế sau đại dịch vụt tắt, toàn bộ nền kinh tế thế giới đều bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Chủ đầu tư các dự án bất động sản du lịch không thể bán hoặc đưa vào khai thác hiệu quả các công trình của mình bởi không có nguồn khách quốc tế.

Những biến động tiêu cực của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt những năm qua khiến cho các doanh nghiệp xây dựng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, đặc biệt đối với Hòa Bình.

Năm 2022, với doanh thu 14.154 tỷ đồng, lần đầu tiên kết quả kinh doanh của Hòa Bình có lợi nhuận âm và âm lên đến 2.572 tỷ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến trên 2.059 tỷ đồng.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình bất ngờ viết tâm thư trước thềm đại hội cổ đông  - Ảnh 2.

Ông Lê Viết Hải viết tâm thư cho cổ đông trước thềm đại hội dự kiến diễn ra vào chiều ngày 27/6. Ảnh: Q.H

"Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin nhận trách nhiệm của mình khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hòa Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của quý cổ đông.

Tôi cũng xin chân thành nhận trách nhiệm của người giữ vị trí cao nhất trong Tập đoàn khi đã để xảy ra một số sự việc rất đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình vốn lâu nay được xem là Công ty điển hình về văn hóa doanh nghiệp giàu tính nhân văn, đặc trưng và đậm chất hòa bình", ông Hải viết.

Tuy vậy, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng khẳng định, ông không hổ thẹn với chính mình hoặc bất cứ một ai khi khẳng định rằng đã đem hết nỗ lực và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp Công ty vượt qua mọi khó khăn trong mấy năm qua.

"Những quyết định của tôi trong bất cứ tình thế nào đều được đưa ra trên nguyên tắc bảo vệ cho quyền lợi cao nhất của cổ đông, dù lắm khi phải hy sinh quyền lợi của riêng mình", ông Hải khẳng định.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trong giông bão, Hòa Bình lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua thách thức và dần ổn định để tiếp tục phát triển và khôi phục vị thế vốn có của mình...

Cụ thể, kế hoạch tái cấu trúc toàn diện đã được Hội đồng quản trị và Ban điều hành Hòa Bình bắt tay vào triển khai rất quyết liệt và sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp do tân Tổng giám đốc Lê Văn Nam đề xuất, gồm tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.

Khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (đến ngày 23/06/23), đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước.

"Với nguyên tắc chung là rất thận trọng, đơn vị kiểm toán đã căn cứ vào tuổi nợ để xác định giá trị trích lập dự phòng nói trên. Thực tế trong suốt lịch sử kinh doanh của mình, Hòa Bình chưa hề xóa bất cứ một khoản nợ nào. Hầu hết các khoản nợ đã từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập", ông Hải khẳng định.

Theo ông Hải, trong thời gian qua, do tình thế "chẳng đặng đừng" Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ được xét xử, Hòa Bình đã thành công cả 10 vụ. Tổng giá trị Hòa Bình sẽ thu về qua kết quả xét xử cao hơn tổng nợ gốc lên đến gần 50%.

Với nhiều tín hiệu lạc quan, trong thời gian tới, Hội đồng quản trị Hòa Bình quyết định vẫn giữ mục tiêu doanh thu năm nay là 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận 125 tỷ đồng.

"Đây là một mục tiêu đầy thử thách nhưng không phải là bất khả thi", Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình tin tưởng.