Chiều 27/6, trước nguồn tin việc "đốt rừng thật" để diễn tập phòng chống cháy rừng ở xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, thông tin với Dân Việt, ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam khẳng định: "Không hề có chuyện đốt rừng thật để diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng như đồn đoán".
Theo ông Phú, năm nayđơn vị chọn khu vực vùng Đông của Quảng Nam để tổ chức diễn tập, vì nơi đây từ đầu năm đến nay xảy ra rất nhiều vụ cháy rừng lớn, làm thiệt hại nặng.
Khi tổ chức diễn tập không chỉ có Kiểm lâm mà có tất cả các cơ quan chức năng, như chính quyền địa phương, công an, phòng cháy chữa cháy và lực lượng kiểm lâm đã thông báo rộng rãi đến với bà con khu vực để được biết về cách phòng chống cháy rừng.
Clip hôm diễn tập. Q.V
"Theo đó, mấy năm trước bão đã gây nhiều cây rừng ngã đỗ chưa xử lý hết, nên lực lượng gom hết số cây ngã đổ này lại để chất thành đống phục vụ cho diễn tập. Còn những cành cây tươi có trong đống củi diễn tập đó là do những nhánh cây xà xuống đất, nguy cơ bén lửa lớn nên chúng tôi đã phát dọn rồi bỏ luôn vào khu vực diễn tập.
Khi diễn tập, đưa ra tình huấn cháy rừng lớn để thông báo đến chính quyền địa phương và PCCC đến dập lửa. Dù đưa ra tình huống cháy rừng lớn, nhưng hôm diễn tập chỉ có diện tích cháy khoảng vài chục mét vuông...", ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, một số cây xanh xung quanh bị khô héo lá là do sức nóng của lửa hôm diễn tập. "Chỉ héo lá chứ không có chuyện đi đốt rừng thật để diễn tập. Diễn tập chủ yếu là rà soát lại quy trình phòng cháy chữa cháy, chữa cháy mà ít thiệt hại đến rừng.
Ngày diễn tập, chúng tôi đã chọn địa điểm gần đường nhựa, khu vực xa dân cư, xa rừng để nhằm mục đích khi có sự cố hy hữu thì xe phòng cháy chữa cháy đến dập lửa còn kịp…", ông Phú khẳng định.
Ông Châu Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Sa, huyện Thăng Bình cho biết, buổi phát động toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và diễn tập chữa cháy rừng năm 2023 là rất kịp thời.
Chính quyền xã Bình Sa cam kết tăng cường trách nhiệm phòng chống cháy rừng; chú trọng kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện bảo vệ rừng theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ) và 5 sẵn sàng (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin).
"Xã sẽ tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ rừng. Chúng tôi kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là hướng dẫn việc xử lý đốt thực bì trong quá trình trồng và khai thác rừng cho người dân...", ông Anh nói.
Trong khi đó, ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, cháy rừng đã trở thành vấn nạn lớn, không những gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng và môi trường sống mà còn ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của con người. Ảnh hưởng của nó không những tác động đến một địa phương hay một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực và toàn cầu.
Tại Quảng Nam, theo số liệu thống kê 5 năm trở lại đây có khoảng 136 vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại trên 618ha rừng trồng các loại, chủ yếu là rừng trồng.
Đáng chú ý, gần đây nhất là vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 29/4/2023, tại khu vực thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình đã làm thiêu rụi hơn 24ha rừng trồng keo lưỡi liềm với chức năng phòng hộ chóng cát bay từ dự án PACSA.
Đồng thời, mới chỉ trong 4 tháng mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy hơn 42ha. Khi cháy rừng xảy ra Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã phải huy động nhiều lực lượng phối hợp, bao gồm lực lượng tại chỗ, Quân sự, Biên phòng, Công an; lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng cơ sở của chủ rừng,... tham gia chữa cháy để khống chế, kiểm soát và dập tắt được đám cháy giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về tài nguyên rừng.
"Điều đáng nói là nguyên nhân gây cháy rừng chủ yếu ở Quảng Nam do người dân sử dụng lửa để xử lý thực bì sau khai thác để lửa cháy lan; sử dụng lửa bất cẩn khi đốt ong; đốt cỏ khô, rơm rạ, đốt vàng mã, hút thuốc lá gần rừng trong mùa khô hanh gây cháy rừng…", ông Khánh cho biết.
Cũng theo ông Từ Văn Khánh, để phòng chống cháy rừng, trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương cũng như Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam và chính quyền các địa phương trong tỉnh rất quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và UBND tỉnh Quảng Nam có Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND ngày 21/6/2023 Về tăng cường các biện pháp cấp bách trong phòng cháy, chữa cháy rừng; theo đó yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng…
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, không hề có chuyện đi "đốt rừng thật" để diễn tập. Việc chọn địa điểm diễn tập là được kiểm tra kỹ lưỡng, nhất là không được chọn những nơi có nhiều cây rừng, nhiều loại vật dụng nguy cơ cháy lớn để diễn tập.
Diễn tập là phải có địa điểm an toàn, tổ chức diễn tập cũng giống như hình ảnh thật, thật ở đây là diễn tập chứ không phải "đốt rừng thật".