Trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm ác liệt nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - "Đại tướng nông dân" luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ, Nhà nước và Nhân dân giao phó...
Hướng về kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024); trong không khí thi đua thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam theo Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng...
Với tất cả tình cảm trân trọng, biết ơn và tưởng nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, nguyên Trưởng Ban Công tác Nông thôn Trung ương - người con ưu tú của đất nước và quê hương Thừa Thiên - Huế, nhà lãnh đạo kiệt xuất, kiên trung, mẫu mực của Đảng, một vị Tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và là vị tướng của cả giai cấp nông dân trên mặt trận nông nghiệp...
Trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm ác liệt nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, "Đại tướng Nông dân" luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ, Nhà nước và Nhân dân giao phó...
Nói đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Vị Đại tướng của Nông dân, dù bất kỳ từ góc độ quân sự hay kinh tế chính trị, khoa học hay ngoại giao, lý luận hay thực tiễn... Chúng ta đều ngưỡng mộ trước một con người có trí tuệ mẫn tiệp, tâm đức ngời sáng và tầm vóc phi thường.
Với tâm thế tri ân, tưởng nhớ và biết ơn Đại tướng của Nông dân nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Người, trong bài viết này, chỉ xin được đề cập đến các vấn đề trong mối quan hệ của Đại tướng với giai cấp Nông dân trong hơn một thế kỷ qua:
Là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên thật là Nguyễn Vịnh, tên gọi thân mật là Anh Sáu Di, sinh ngày 01/01/1914, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, giàu truyền thống cách mạng.
Truyền thống lâu đời của quê hương đã hun đúc nên tài năng và phẩm chất cao quý của một nhà lãnh đạo kiên trung, kiệt xuất và mẫu mực... Được Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách, trên mọi cương vị công tác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đem hết tài năng, trí tuệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tận tâm, tận lực cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Mùa hè năm 1938, Phát xít Nhật lăm le nhảy vào Đông Dương. Chính quyền Thực dân Pháp đã hô hào phòng thủ và chuẩn bị chiến tranh với phát xít Nhật và đã ra sức tuyển mộ lính và tăng ngân sách phục vụ chiến tranh bằng cách phát hành trái phiếu và chuẩn bị thông qua dự án tăng một loạt các thuế.
Chấp hành Chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, lúc mới 24 tuổi, đồng chí đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phối hợp với các nghị viện yêu nước trong Viện Dân biểu Trung Kỳ ở Huế đấu tranh chống dự án tăng thuế của chính quyền Thực dân Pháp và vua quan phong kiến Nam triều đã giành thắng lợi lớn, khẳng định vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên do đồng chí Nguyễn Vịnh đứng đầu.
Do bị thất bại về dự án tăng thuế, Thực dân Pháp tăng cưởng khủng bố. Từ cuối năm 1938 đến năm 1943, đồng chí bị địch bắt giam 3 lần. Trải qua nhiều nhà lao ở Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, đồng chí luôn nêu gương sáng, không nao núng tinh thần, thành lập các tổ chức bí mật trong nhà tù để tập hợp lực lượng, thống nhất hành động và liên hệ với tổ chức đảng ở bên ngoài, biến nhà tù Thực dân Pháp thành trường học cách mạng…
Ngày 09/3/1945, Phát xít Nhật tiến hành lật đổ Pháp. Nhận rõ thời cơ, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị lịch sử: Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Vào tháng 5/1945, trên đường đưa tù nhân từ nhà tù Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang (Khánh Hòa) thì Nguyễn Vịnh và các đồng chí khác đã đào thoát. Theo sự phân công của tổ chức Đảng ở nhà tù Buôn Ma Thuột, đồng chí Nguyễn Vịnh được cử về hoạt động tại Miền Nam Trung Bộ.
Lúc này, đảng bộ các tỉnh miền Nam Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt, đảng bộ các tỉnh này không còn giữ được liên lạc với Trung ương Đảng, do Xứ ủy Nam kỳ bị vỡ từ cuối năm 1942, nên chưa nhận được Chỉ thị ngày 12/3/1945; mặt khác, số cán bộ, đảng viên bị bắt lâu ngày, nhận thức về đường lối chưa thống nhất, nhiều đồng chí còn quá dè dặt do lo sợ vỡ cơ sở hoặc nằm im, không hoạt động.
Trước hoàn cảnh đó, đồng chí đã tìm cách bắt liên lạc với Tỉnh ủy Khánh Hòa, tập trung vận động quần chúng, củng cố và xây dựng cơ sở đảng, xây dựng Mặt trận cứu quốc và hình thành lực lượng vũ trang. Từ đó, phong trào Việt Minh ở tỉnh Khánh Hòa phát triển rộng khắp, từ nông thôn đến thành thị. Đồng chí Nguyễn Vịnh đã được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Giữa tháng 7/1945, đại biểu 9 tỉnh khu vực Trung Bộ tổ chức Hội nghị bàn việc phối hợp và đẩy mạnh đấu tranh. Hội nghị đã thống nhất thành lập ban liên lạc chung và cử đồng chí Nguyễn Vịnh (đại biểu Khánh Hòa) và đồng chí Trần Quý Hai (đại biểu Quảng Ngãi) đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào do Tổng bộ Việt Minh triệu tập.
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu bổ dung vào Ban Chấp hành Trung ương và được phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây, đồng chí Nguyễn Vịnh lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người đặt cho tên mới là Nguyễn Chí Thanh. Cũng từ đây, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào được tổ chức. Đại hội đã nhất trí quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và 13 ủy viên, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh.
Ngày 31/8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 36/SL phong hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm cấp Đại tướng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, khẳng định vai trò của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đối với phong trào cách mạng ở miền Trung và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng.
Trước mỗi khó khăn mới của cách mạng và trước những nhiệm vụ mới được Đảng giao phó, đồng chí luôn tìm tòi, động viên chiến sĩ và nhân dân tìm cách vượt qua với những tư tưởng vừa có tính lý luận, vừa bám sát thực tiễn, trở thành phương châm hoạt động của cách mạng.
Những lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Chí Thanh mỗi khi cách mạng gặp khó khăn như: "quyết không thể để mất dân", "chết không được rời cơ sở" đã thể hiện quan điểm, lập trường kiên định trước thử thách của lịch sử, trở thành tư tưởng chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Huế...
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông nhận định: "Mỹ chỉ là con hổ giấy" và đề ra phương châm tác chiến "cứ đánh Mỹ rồi sẽ tìm ra cách đánh Mỹ", "Bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta", "nắm thắt lưng địch để đánh", "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt"… Và thực tế chiến trường miền Nam đã chứng minh điều đó bằng những chiến thắng giòn giã ở Núi Thành, Vạn Tường, Bầu Bàng, Nhà Đỏ, Bông Trang... làm nức lòng nhân dân cả nước.
Đánh giá công lao của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, có công lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị tư tưởng, là người sắc sảo trong việc đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...".
Những phong trào cách mạng sôi nổi như "Cờ Ba nhất" trong quân đội, "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, "Sóng Duyên Hải" trong công nghiệp, "Trống Bắc Lý" trong giáo dục, "Phụ nữ ba đảm đang" …đều có công rất lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp phần to lớn vào thành công của cách mạng Việt Nam.
Những phong trào thi đua yêu nước này đã nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần nhân dân ta, làm chỗ dựa của tiền tuyến, cùng đánh thắng giặc xâm lược... Vì vậy, nhiều đồng chí, đồng đội thường gọi ông một cách trìu mến, thân thương là "vị tướng phong trào", "Đại tướng Nông dân"...
Nhớ lại thời kỳ công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc từ năm 1958 đến 1959 tiến hành thuận lợi, nông dân sôi nổi hưởng ứng. Các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) thành lập, đi từ quy mô nhỏ lên vừa và lớn, từ bậc thấp đến bậc cao.
Đây là cơ sở để Đảng ta đề ra đường lối chiến lược mới cho cách mạng. Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã hoạch định đường lối chiến lược tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, xác định mặt trận nông nghiệp giữ một vai trò, vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà còn tác động đối với cách mạng cả nước, và nhất là đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.
Tuy nhiên, năm 1960 thời tiết không thuận, mất mùa hai vụ lúa liền. Thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn, nhiều người phân vân. Cán bộ cũng có người hoài nghi về hợp tác xã.
Trước những yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng hậu phương lớn và công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp trong bối cảnh các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc gặp nhiều khó khăn, năm 1961, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng điều đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước lúc bấy giờ với yêu cầu củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông thôn.
Và cũng từ đây, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Bắc đã tạo ra luồng gió mới, góp phần xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khi được phân công sang một lĩnh vực mới, với tư duy nhạy bén, năng động, Đại tướng đã xông xáo "bám đội, lội đồng" cùng người dân tát nước, cấy lúa, khảo sát, tìm hiểu các mô hình sản xuất, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nguyện vọng của người dân, chỉ một thời gian ngắn, Đại tướng đã phát hiện ra những điểm yếu, điểm thiếu của ngành nông nghiệp cũng như cơ chế quản lý của hợp tác xã; đồng thời đề ra nhiều giải pháp cho nông thôn, nông dân giải phóng sức sản xuất.
Trong những năm đầu thập niên 60, thế kỷ XX, không mấy người Việt Nam lại không biết phong trào "Phá xiềng ba sào", "Đuổi kịp mức sống trung nông", "Gió Đại Phong", "Làm thủy lợi hai năm",... Nói là phong trào, nhưng thực chất đó là những đột phá mà Đại tướng đã đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp.
Những đột phá đó đã trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nông dân miền Bắc, tạo ra phong trào thi đua lớn trong nông dân, đem lại những thành tựu to lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 15/4/1961, báo Nhân dân đăng bài của Bác Hồ (bút danh T.L) về Phong trào Đại Phong: "Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1.000 HTX nhận thi đua Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta". Bác Hồ chỉ đạo: "Phải học một cách sáng tạo".
Từ những kết quả chỉ đạo Phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp, tháng 8/1961, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ/TW về vấn đề phát triển nông nghiệp, trong đó chỉ rõ chủ trương tập trung lực lượng, củng cố và phát triển các hợp tác xã quy mô thôn.
Tuy nhiên, năm 1963, hoạt động của hợp tác xã ở một số địa phương có nhiều hạn chế do tư tưởng nóng vội muốn đưa hợp tác xã lên quy mô lớn toàn xã mà không tuân thủ quy định của Trung ương và sự tự nguyện của nông dân, dẫn đến hiện tượng hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Nhiều hợp tác xã toàn xã phải giải thể, quay trở lại quy mô thôn.
Trước tình hình đó, một trăn trở thường xuyên nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đối với công tác nông thôn và nông nghiệp, là: Chúng ta ngồi trên Trung ương ban hành chính sách, liệu các chính sách ấy có hợp lòng dân, có đáp ứng nhu cầu thực tế, có phù hợp xu thế thời đại? Tại sao có những chủ trương của Trung ương nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ rệt, trong khi không ít chính sách khác dừng lại ở khẩu hiệu?
Để trả lời câu hỏi này, Đại tướng đã thực hiện nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế để hiểu thật sâu về lĩnh vực mà mình phụ trách. Trong những chuyến đi ngược Tây Bắc, từ Hòa Bình qua Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, lên đèo Pha Đin, sang Mường Lò, Nghĩa Lộ, vượt sông về Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… đến đâu ông cũng về bản làng thăm hỏi, động viên đồng bào; đến đâu ông cũng nghiên cứu tỉ mỉ, tìm hiểu từng vấn đề và sâu chuỗi các mặt trong một chỉnh thể sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đại tướng đã chỉ ra rằng, làm nông nghiệp không chỉ là "lúa, phân, cần, giống" mà còn phải tính đến phát triển trổng cây hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, cải tiến công cụ sản xuất, phương tiện chế biến, bảo vệ đất đồi…
Đại tướng đã chỉ ra những thói quen rất xấu trong lãnh đạo công tác nông nghiệp ở một số nơi là: "nói quá nhiều đến những nguyên tắc, phương châm chung chung, có tính chất "thiên kinh địa nghĩa" mà ít đi vào cụ thể. Đồng chí đã có bài báo phê bình một "huyện ủy 5 không" gây xôn xao trong công tác địa phương lúc bấy giờ.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã rất chú ý tới công tác phân phối sản phẩm, nâng cao đời sống nông dân. Đồng chí cho rằng, sản xuất và phân phối là những khâu quan trọng và có liên quan mật thiết đến nhau. Nhiều địa phương thời bấy giờ chủ trương "vắng chợ, đông đồng" thì đồng chí chủ trương "chợ nông thôn nó cần phải có, đó là thực tế khách quan kinh tế của ta", "kinh tế phụ gia đình có tác dụng hỗ trợ"…
Đồng chí cũng sớm nhận ra, để khắc phục sự trì trệ trong các hợp tác xã nông nghiệp và công tác nông thôn, thì không chỉ quan tâm nâng cao đời sống của nông dân mà còn phải chú ý đến đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân.
Ông cho rằng: "nâng cao trình độ văn hóa cho nông dân là đem lại quyền lợi thiết cho nông dân", nhằm "xây dựng con người mới, xây dựng tình cảm mới, tư tưởng mới, đạo đức mới cho nông dân ta" và cho rằng "không có văn hóa thì làm sao hiểu biết được khoa học, kỹ thuật và nâng cao năng suất"... Đây là quan điểm để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 70-NQ/TW ngày 19/2/1963 về Cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với khoảng hơn 3 năm trên cương vị Trưởng ban Công tác Nông thôn có thể khẳng định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí đã có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên "luồng gió mới" trên ruộng đồng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những chuyến về cơ sở là cơ hội cho ông chan hòa với cuộc sống người dân, học hỏi các lão nông tri điền, anh cán bộ xóm về cách xử lý các vấn đề thực tiễn; những chuyến đi nghiên cứu dài ngày ông mời các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đầu ngành cùng đi - ấy cũng chính là tạo cơ hội vàng cho ông được một lúc học từ hai phía: Thực tiễn và hàn lâm.
Có một điều đặc biệt là, năm 1964, Đại tướng đã viết cuốn đề cương "Chiến lược phát triển nông nghiệp sau giải phóng", năm 1967, trước khi nhận nhiệm vụ vào miền Nam, ông lại viết lại, bổ sung cho Đề cương. Điều đó chứng tỏ ông rất quan tâm đến nông nghiệp, thể hiện tầm nhìn của một vị Đại tướng toàn tài.
Trong chiến tranh, vấn đề quân lương có vai trò quan trọng, quyết định đến trận đánh của bộ đội là điều đương nhiên, nhưng với tầm nhìn vượt thời gian, chưa đánh Mỹ xong, Đại tướng đã tính đến đánh Mỹ xong phải phát triển nông nghiệp thế nào, thúc đẩy sản xuất ra sao, tập trung vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau giải phóng như thế nào để làm kế phát triển bền vững của đất nước.
Chính nhờ vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn ngang tầm các trọng trách Đảng và Nhà nước giao. Và khi ông đột ngột qua đời ở tuổi 53, đúng lúc đất nước đang gặp nhiều thử thách nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đau đớn thốt lên: "Chúng ta mất một con đại bàng trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt đất". Nhưng những gì Đại tướng đã cống hiến, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thành công và đưa cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến thắng lợi cuối cùng sẽ mãi mãi còn trong lòng mỗi chúng ta.
Nhân dân gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là "Đại tướng của nông dân," Bác Hồ trìu mến gọi là "Đại tướng nông dân." Người dân Đại Phong thờ Nguyễn Chí Thanh như một Thành Hoàng làng với ý nghĩa là người có công với dân làng.
Phát huy tinh thần xốc tới, dám nghĩ, dám làm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong công tác Hội và phong trào nông dân đáp ứng yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:
Thứ nhất, học tập và phát huy phong cách sâu sát cơ sở, học quần chúng để lãnh đạo quần chúng:
Khi phụ trách mặt trận nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cho thấy một tấm gương về một vị tướng không quản ngại bất cứ khó khăn nào, luôn làm việc với tinh thần "xốc tới" và là người lăn lộn với phong trào. Với mỗi nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn lấy kiến thức từ thâm nhập thực tế để hiểu thật sâu về mảng mà mình phụ trách.
Đồng chí đã thực hiện hàng trăm chuyến đi về cơ sở. Trong buổi dặn dò với lớp cán bộ quân đội được chuyển sang làm công tác nông nghiệp, đồng chí đã nói: "Chính bản thân tôi khi mới ở quân đội chuyển sang tôi đã tự nêu cho mình mục tiêu phấn đấu lúc đầu là trong vòng một năm phải đuổi cho được trình độ hiểu thực tế của anh Chủ nhiệm hợp tác xã và Bí thư chi bộ. Xuống cơ sở, phải thực tế chứ không thể sách vở, tổ chức lao động thế nào, phân tro, giống má ra sao, giống thế nào là tốt, là xấu, chọn giống, giữ giống thế nào… Ý kiến phải cho cụ thể và cho tốt, chứ không thể chung chung, vì như thế sẽ không giúp được gì cả mà nghe báo cáo không biết đúng sai, hay dở nữa".
Thứ hai, phát hiện cái mới, ủng hộ cái mới, nhân rộng cái mới đã được chứng minh hiệu quả:
Năm 1959, khi nhiều hợp tác xã ở miền Bắc rơi vào trì trệ thì một hợp tác xã ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình nổi lên như một ngôi sao sáng về sự thành công. Đó là hợp tác xã Đại Phong. Ngày đó, cánh đồng Đại Phong chỉ là một vùng đầm phá mênh mông nước, hàng năm chỉ làm được một vụ "lúa cao cây", còn lại đành phải bỏ hoang vì nhiễm mặn.
Với quyết tâm xóa cái đói, giảm cái nghèo, chỉ sau một năm, sản lượng lương thực của Đại Phong tăng từ 650kg/khẩu lên 880 kg/khẩu, mức sống ngang trung nông, Hợp tác xã đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương trên Báo Nhân dân số ra ngày 09/01/1961 với tiêu đề: "Một Hợp tác xã gương mẫu". Từ bài báo này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã ngay lập tức cùng một số cán bộ về Đại Phong khảo sát, Đại tướng nhận thấy, sở dĩ có được thành công là HTX Đại Phong chủ trương một người làm việc bằng hai, mở rộng bờ vùng, bờ thửa, cải tạo đồng ruộng, thâm canh sản xuất, phát triển đa ngành.
Từ chỗ đất canh tác của xã viên Đại Phong chỉ đạt 2 sào/người (năm 1960) thì đến năm 1961, con số này đã lên tới 7 sào/người. Bình quân mỗi hộ nuôi 2 con lợn thịt, trang trại của HTX có 5.000 con vịt đẻ trứng. Không những đẩy lùi được cái đói của làng mình, lúa gạo Đại Phong sản xuất ra còn được chở ra nhiều địa phương ở miền Bắc để phân phối cho nhân dân, đưa vào chiến trường miền Nam cho bộ đội đánh Mỹ...
Cùng với việc đi thực tế nhiều địa phương khác, đồng chí nhận thấy lúc bấy giờ bình quân ruộng đất của miền Bắc chỉ khoảng 3 sảo Bắc bộ, thế là với tư duy nhạy bén, Đại tướng đã đề ra phương châm "phá xiềng 3 sào", cùng với đó là những chỉ đạo về làm thủy lợi, cải tiến công cụ, mở rộng ngành nghề, đưa chăn nuôi thành nghành nghề chính…và phát động phong trào "học tập và tiến kịp Đại Phong". Từ đó "Gió Đại Phong" đã thổi khắp đồng ruộng miền Bắc, đạt được những thành công vang dội trên mặt trận nông nghiệp.
Đây là bài học lớn để cán bộ Hội các cấp nghiên cứu, giúp nông dân "phá xiềng kinh tế hộ" để chuyển sang làm kinh tế liên kết, hợp tác, sản xuất theo chuỗi giá trị; "phá xiềng tư duy sản xuất nông nghiệp" để chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết của Đảng ta...
Thứ ba, cán bộ Hội phải sâu sát quần chúng, động viên tinh thần dám nghĩ dám làm của quần chúng nông dân.
Đại tướng thường dặn dò cán bộ: Muốn làm tốt các mặt, trước hết phải coi trọng khâu tổ chức, cán bộ phải có năng lực, nhiệt tình, có chí tiến công, liêm khiết, phải nghĩ ra việc rồi tổ chức cho xã viên làm, đồng thời phải phát huy dân chủ, khuyến khích xã viên đề ra sáng kiến, những sáng kiến tốt được kịp thời khen ngợi làm cho mọi người hăng hái thi đua, tinh thần phấn khởi thì mọi việc được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả.
Ông luôn khẳng định vai trò to lớn của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng. Đại tướng chỉ ra rằng, sau khi có phương hướng đúng, biện pháp tốt, chính nhiệt tình lao động của quần chúng là một yếu tố quyết định thắng lợi trong cuộc chiến đấu hằng ngày và yêu cầu "Lãnh đạo phải biết động viên nhiệt tình cách mạng cao của xã viên hợp tác xã, dám nghĩ, dám làm, dám chịu và hoàn thành trách nhiệm trước nhân dân".
Đây là bài học để cán bộ Hội các cấp phát huy tinh thần làm chủ của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nền nông nghiệp nước ta đã tiến những bước dài về năng suất, sản lượng, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu nội ngành, trình độ canh tác, dựa trên sự chuyển đổi cơ chế quản lý và mô hình tổ chức sản xuất.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo đường lối của Đảng đang diễn ra nhanh chóng làm chuyển biến nền nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống về mọi mặt của nông dân.
Trong điều kiện lịch sử mới đó, nhiều ý kiến của đồng chí Nguyễn Chí Thanh cách đây hơn 60 năm vẫn còn mang giá trị thực tiễn, nhất là vấn đề làm sao tăng vững chắc để giải quyết tốt vấn đề lương thực và xuất khẩu nông sản; vấn đề bảo vệ và sử dụng hợp lý quỹ đất nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa; vấn đề đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông thôn hiện đại, quan tâm đến lợi ích kinh tế và vị thế làm chủ của người nông dân- một lực lượng to lớn trong đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước.
Những tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn mang giá trị cho đến hôm nay. Là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân, cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, cán bộ các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần quán triệt và phát huy tinh thần xốc tới, dám nghĩ, dám làm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong công tác Hội và phong trào nông dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...