Chỉ ngồi đục đẽo trong nhà mà 9X Ninh Bình đạt danh hiệu này, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Chỉ ngồi đục đẽo trong nhà mà 9X Ninh Bình đạt danh hiệu nghệ nhân, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Vũ Thượng
Thứ ba, ngày 27/06/2023 13:22 PM (GMT+7)
Nghệ nhân Đỗ Văn Cần (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), với đôi bàn tay khéo léo đã “thổi hồn” vào những khúc gỗ vô tri để trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nhờ tài năng này giúp anh Cần nổi tiếng gần xa, và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Đỗ Văn Cần (sinh năm 1990, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn), trong một gia đình có nhiều năm làm nghề mộc dân dụng, từ đó chàng trai 9X đã học cách cầm cưa, cầm đục chế tác các sản phẩm gỗ đơn giản.
Clip xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ nổi tiếng ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Năm 2016, được sự ủng hộ của gia đình, anh Cần bắt đầu mở xưởng điêu khắc tranh, tượng gỗ tại xã Đồng Hướng. Ban đầu xưởng gỗ rất ít khách hàng bởi nhiều người chưa biết đến sản phẩm, cũng như giá trị thực của các tác phẩm điêu từ khắc gỗ mỹ nghệ.
Chàng trai 9X, Đỗ Văn Cần chia sẻ: "Lúc đầu lập nghiệp tôi cũng gặp không ít khó khăn, không nản chí, tôi tự sáng tạo ra các tác phẩm từ nhỏ đến lớn để "níu kéo" khách hàng. Dần dần khách yêu nghệ thuật truyền tai nhau và đến xưởng mua hàng càng nhiều".
Hiện tại, xưởng điêu khắc tranh, tượng gỗ Cần Dung (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn), với đủ loại mặt hàng, từ đồ gỗ nghệ thuật như: Tượng Phật, tượng Phúc-Lộc-Thọ, tượng các linh thú, tranh đồng quê, tranh vinh quy bái tổ, tranh tứ quý....đến các sản phẩm đồ gỗ dân dụng.
Đặc biệt, anh Đỗ Văn Cần đang tạo công việc ổn định cho 4 lao động với mức lương từ 7-25 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, lúc cao điểm, xưởng gỗ mỹ nghệ nhà anh Cần còn thuê thêm từ 4-5 lao động thời vụ. Năm 2022, lợi nhuận từ xưởng gỗ cho gia đình anh Đỗ Văn Cần khoảng 300 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Trạm (xã Đồng Hướng) hiện đang làm việc tại xưởng gỗ nhà anh Cần cho biết: "Tôi làm nghề điêu khắc gỗ cũng nhiều năm, và được trả lương theo tay nghề, sản phẩm...Bình quân tôi thu nhập từ 20-25 triệu đồng/tháng, ngày làm việc thường 8 tiếng là về".
Nghề điêu khắc gỗ đòi hỏi sự sáng tạo
Đối với nghề điêu khắc tranh, tượng gỗ, ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải rèn luyện trí tưởng tượng để biết cách tạo dáng, phác thảo ra sản phẩm ngay từ trong suy nghĩ.
Anh Cần nói: "Điêu khắc là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, ngoài khéo tay, có óc sáng tạo, nghề điêu khắc cũng đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê với nghề...".
Từ các thân, gốc cây,... người thợ điêu khắc sáng tạo ra những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, vân gỗ hay chính những vết sần sùi trên từng khối gỗ. Từ đó tạo nên những chi tiết sống động, đậm nét văn hóa của người Việt Nam.
Anh Đỗ Văn Cần bộc bạch, quy trình để sáng tạo ra một tác phẩm gỗ điêu khắc trải qua rất nhiều công đoạn. Thứ nhất, người thợ phải tưởng tượng ra cách sắp xếp, bố trí các họa tiết, chi tiết theo yêu cầu của khách hàng để lựa chọn phôi gỗ phù hợp.
Thứ hai, công đoạn phá thô, rồi đến làm tinh xảo sắc nét, hoàn thiện sản phẩm. Hầu hết các công đoạn đều làm bằng thủ công, vì vậy khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ, gỗ loại tốt, ít cong vênh,…
Với những đóng góp trong nghề, chàng trai 9X Đỗ Văn Cần (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã được công nhận danh hiệu Nghệ nhân điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Tháng 3/2023, anh Cần cũng là một trong số 89 điển hình được vinh danh là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.