Đây là một trong những đánh giá của Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tại Hội thảo khoa học lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ở Bình Dương, tổ chức ngày 27/6.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài Giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ở Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
Nghiên cứu đề tài này của châu Âu, nhằm đề ra một số gợi mở cho Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Thuận (Viện Nghiên cứu châu Âu), cho biết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang dần trở thành chủ đề nóng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp khi gắn liền các vụ bê bối gần đây.
Nhận thức của người tiêu dùng và các bên liên quan về lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp ngày càng trở nên phán xét và đề phòng hơn. Và gần như mọi phần trong chuỗi giá trị thực phẩm đều bị chỉ trích vì nhiều lý do.
EU là một trong những khu vực đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội với những quy định, chiến lược cụ thể chung cho doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên.
Định nghĩa trách nhiệm xã hội của EU được bổ sung là "trách nhiệm của doanh nghiệp, vì những tác động của họ đối với xã hội". Có nghĩa là, để đáp ứng đầy đủ trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp cần có sẵn một quá trình tích hợp các mối quan tâm về xã hội, môi trường, đạo đức, quyền con người và người tiêu dùng vào hoạt động kinh doanh...
Theo TS. Thuận, việc EU đưa ra các chính sách chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt là thẩm định cả chuỗi cung ứng, mang đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Từ đó, Viện Nghiên cứu châu Âu đề nghị, Việt Nam cần tìm hiểu rõ các quy định, tiêu chuẩn của thị trường EU về chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường và quyền lao động để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản.
Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên trong quá trình sản xuất nông sản. Việc sử dụng các phương pháp canh tác bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên tái tạo sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản và tạo dựng hình ảnh tích cực cho Việt Nam.
"Một trong những điều khoản quan trọng liên quan đến nhân quyền, quản lý lao động và quyền lao động là vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp trong việc thực hành trách nhiệm xã hội", TS. Thuận lưu ý.
PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, cho biết đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, là chiến lược hết sức quan trọng trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội mới đối với nền kinh tế Việt Nam. Song, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, liên quan đến các yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, bảo vệ môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội.
Tại Bình Dương, Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá cả về mặt chính sách, cũng như thực tiễn về nhận thức của lãnh đạo, người lao động trong các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm sáng trong việc nhận thức về trách nhiệm xã hội ở hầu hết các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp Bình Dương.
Đặc biệt là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp vừa cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, vừa chung tay cùng tỉnh trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh.
Việc tiếp cận các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm nông sản, sản phẩm gỗ sang các thị trường khó tính cũng cho thấy quyết tâm của doanh nghiêp trong việc nâng cao nhận thức thực hiện trách nhiệm xã hội.
Sự lan tỏa việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội xuống các HTX, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp cũng được các doanh nghiệp thực hiện qua các chuỗi liên kết, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp xuất khẩu.
Theo Sở NNPTNT Bình Dương, tỉnh hiện có 580ha cây trồng áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ; 354 cá nhân, tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận áp dụng VietGAP.
Bình Dương có 22 mã số vùng trồng của 17 cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp, với diện tích hơn 1.015ha. Việc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ đến đầy đủ các nhóm đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương, cho biết Bình Dương đang tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn. Nỗ lực này nhằm nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn.
"Ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường", ông Bông chia sẻ.