Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh có đội tàu khai thác tương đối lớn với gần 3.000 chiếc, trong đó tàu xa bờ chiếm gần 70%; tàu hoạt động chủ yếu ở vùng Tây Nam Bộ, nhưng có một số tàu thường xuyên không về địa phương, sau khi khai thác thì về đậu ở các tỉnh khác như Cà Mau, Kiên Giang…Trước tình hình trên, theo ông Cảnh, cần tăng mức xử phạt vi phạm.
Đại diện Sở NNPTNT Tiền Giang thì kiến nghị các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư tiếp tục tăng cường tuần tra các khu vực giáp ranh, tuyên truyền, ngăn chặn và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân khi đánh bắt ở khu vực này.
Đồng thời, Sở NNPTNT Tiền Giang kiến nghị Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2019, trong đó có quy định thẩm quyền xử phạt của kiểm ngư địa phương.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng thì cho hay, đến nay đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ bị EC cảnh bảo thẻ vàng, hiện đã có 14 nước gỡ được thẻ vàng, trong số 14 nước còn lại, có 5 nước bị nâng mức cảnh báo lên thẻ đỏ, còn 9 nước đang thẻ vàng trong đó có Việt Nam hiện đã bị cảnh báo gần 6 năm.
Ông Hùng cho biết, công tác khắc phục thẻ vàng IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể là chưa quản lý được hết các đội tàu, công tác đăng ký, đăng kiểm chưa đạt 100%. Công tác truy xuất nguồn gốc mấy năm gần đây thực hiện khá tốt, lượng hàng bị trả lại rất thấp. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cũng có một số địa phương, doanh nghiệp có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ. Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù có tăng cường lực lượng, tích cực kiểm tra, xử lý nhưng khi EC kiểm tra lần thứ 3 đã đánh giá so với số lượng vi phạm thì tỷ lệ xử lý còn thấp, đặc biệt là vi phạm về thiết bị giám sát hành trình.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận các các ý kiến trên và cho rằng, khó khăn chính đó là khó quản lý được tàu đi ra; có tàu gắn thiết bị giám sát hành trình bỏ ở nhà hoặc gửi qua tàu khác, có những tàu đăng ký hộ khẩu ở tỉnh này nhưng đi đánh bắt và cập cảng ở địa phương khác,…
Phó Thủ tướng nói: "Đoàn khảo sát của EC sẽ sang kiểm tra vào tháng 10 năm nay. Đây là đoàn kiểm tra cuối cùng của Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ này, qua năm 2024 họ có thể sẽ đổi ủy ban, nhân sự. Nếu chúng ta không cố gắng thì có thể 2-3 năm nữa đoàn mới qua lại. Bên cạnh đó, nếu không gỡ được thẻ vàng, để đưa được một thùng hải sản qua châu Âu tốn rất nhiều chi phí và cực kỳ gian nan".
Do vậy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu "Mục tiêu lớn nhất từ đây đến tháng 10, cho đến khi đoàn kiểm tra sang, chúng ta phải cố gắng để không có một tàu nào vi phạm đánh bắt ở nước ngoài nữa".
Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các địa phương phải cố gắng quản lý tốt nhất tàu đánh bắt ở nước ngoài. Còn cơ quan công an thống kê một số vụ án vi phạm để khởi tố hình sự. Tiếp tục xử lý mạnh vi phạm hành chính, bởi nếu cứ nương tay cho các vi phạm thì sẽ không gỡ được thẻ vàng, thậm chí bị thẻ đỏ thì đường xuất khẩu thủy sản bị tắc, cuộc sống của ngư dân ĐBSCL và các vùng khác càng gian nan.
Phó Thủ tướng giao Bộ NNPTNT tích cực sửa đổi Nghị định 42/2019, để lãnh đạo các địa phương tích cực phối hợp xử lý một số vụ việc. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi nghề, gia tăng tái tạo nguồn lợi thủy sản. "Chúng ta có đến 94.000 tàu đánh bắt, trong khi nguồn lợi đánh bắt chúng ta không còn nhiều. Vì thế việc tái tạo nguồn lợi thủy sản cực kỳ quan trọng" – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.