Từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn cung mới của các dự án nhà ở xã hội liên tiếp được gia tăng ngay từ thời điểm đầu năm. Đến đầu tháng 6, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt đón nhận những thông tin tích cực về phân khúc nhà ở xã hội.
Tại Hà Nội, dự án nhà ở xã hội Khu nhà ở Đô thị Kim Hoa, huyện Mê Linh đã khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng. Khu nhà ở đô thị Kim Hoa bao gồm 9 toà nhà có thiết kế 9 tầng nổi và 1 tầng hầm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cho Hà Nội 720 căn hộ với diện tích linh hoạt từ 62-69 m2, giải quyết được nhu cầu về chỗ ở cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân sinh sống ở phía Bắc Thủ đô.
Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình. Dự án này có quy mô gần 5.000 m2 với hơn 1.183,4 tỷ đồng vốn đầu tư; quy mô cao khoảng 31 tầng và sẽ là nơi an cư cho khoảng 1.150 người dân Thủ đô.
Bên cạnh Hà Nội, dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được triển khai với tổng mức đầu tư 2.298 tỷ đồng. Quy mô nhà ở xã hội cao tầng tại lô CT.1 và CT.2: Xây dựng 10 tòa nhà ở chung cư cao 20 tầng và hạ tầng kỹ thuật cơ bản đồng bộ, được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 5 toà nhà đã đi vào hoàn thiện và hôm nay tiếp tục thực hiện khởi công giai đoạn 2 của dự án.
Đây là dự án lớn, với tổng diện tích xây dựng gần 13.000m2, tổng diện tích sàn gần 243 nghìn m2. Tổng số căn hộ gần 4.500 căn, tổng diện tích sử dụng các căn hộ ở gần 160 nghìn m2. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho công nhân của tỉnh theo chương trình đã đề ra.
Các chuyên gia nhận định, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện Chương trình cho vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn khiến giải ngân gói tín dụng này bước đầu chưa như kỳ vọng nhưng cũng tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ có sự tăng trưởng do các chính sách điều hành vĩ mô đều đang ưu ái cho phân khúc này. Không chỉ nguồn cung mà sức thanh khoản của nhà ở xã hội cũng sẽ rất mạnh do phân khúc này có lực cầu rất lớn
"Tuy nhiên, các chính sách vẫn cần có độ "ngấm" để tác động dần dần vào thị trường nên nguồn cung nhà ở xã hội sẽ chưa tăng trưởng mạnh ngay trong năm nay mà sẽ khởi sắc từ từ theo độ "ngấm" chính sách", ông Đính nhận định.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, đối với nhà ở xã hội, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, của các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, phân khúc này sẽ có sự khởi sắc không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.
"Từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ sẽ được gia tăng, trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường bất động sản, giảm bớt tình trạng chênh lệch cung - cầu, giúp phần lớn người dân đô thị chạm tới được giấc mơ an cư", ông Thịnh nhận định.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, mối quan tâm và nhu cầu thực sự của người dân với nhà ở xã hội rất lớn. Nhà ở xã hội là bất động sản có nhu cầu thực là xu hướng của thị trường trong bối cảnh hiện nay.
"Không chỉ có các dự án nhà ở xã hội năm 2023, nguồn cung nhà ở xã hội cũng sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực trong những năm tới khi Chính phủ đang có những động thái rõ ràng trong việc ưu tiên phát triển phân khúc này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội sẽ hứa hẹn sự cải thiện về nguồn cung trong tương lai", ông Quốc Anh chia sẻ.