Tỷ lệ lợi nhuận tối đa không quá 10% với nhà ở xã hội: Bị "chê" thấp, Bộ Xây dựng bất ngờ tiết lộ
Tỷ lệ lợi nhuận tối đa không quá 10% với nhà ở xã hội: Bị "chê" thấp, Bộ Xây dựng bất ngờ tiết lộ
H.Anh
Thứ năm, ngày 29/06/2023 08:25 AM (GMT+7)
Loạt ý kiến cho rằng, việc quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận là những yếu tố khiến không mấy chủ đầu tư mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội. Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng đã tiết lộ thông tin về vấn đề này.
Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Chính phủ ban hành mới đây, trong đó quy định rõ ràng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, phát triển nhà xã hội. Theo Nghị định, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tính đủ chi phí thu hồi vốn, kể cả lãi vay và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư. Đối với dự án có giá bán thấp hơn suất đầu tư xây dựng nhà ở cùng loại do cơ quan có thẩm quyền công bố (thường là Sở Xây dựng địa phương) tại cùng thời điểm thì được phép tính tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 15%.
TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, mục tiêu tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 – theo đề án được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt ngày 03/4/2023, là khá thách thức. Báo cáo của Hiệp hội Bất Động sản Việt Nam cho thấy, nhu cầu nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp khoảng 70 triệu m2 đến nay mới chỉ đáp ứng được 10%. Một trong những vướng mắc lớn liên quan đến giới hạn về tỷ suất sinh lợi của chủ đầu tư nhà ở xã hội.
TS Lê Xuân Nghĩa nêu rõ: Việc quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận là những yếu tố khiến không mấy chủ đầu tư mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi đó, về mặt thủ tục đối với dự án nhà ở xã hội phải mất từ 3 – 5 năm để hoàn tất thủ tục hành chính cho đến khi có được quyết định cấp giấy phép xây dựng, số lượng thủ tục, giấy tờ gấp đôi so với dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó là các vấn đề về tỷ lệ đất, quy hoạch đất, bố trí đất cho dự án nhà ở xã hội chưa đáp ứng (điển hình như bài học lớn về những dự án nhà ở xã hội ở ngoại thành bán mấy chục lần không có ai mua).
Do đó, ông Nghĩa đề nghị bỏ quy định về lợi nhuận tối đa đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thay vào đó là ban hành khung giá cho nhà ở xã hội phù hợp với từng địa phương (kinh nghiệm của Trung Quốc).
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, tỷ suất lợi nhuận tối đa chỉ 10%, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.
"Nhiều doanh nghiệp than thở với tôi, mức này khiến họ không có lãi, thậm chí lỗ, trong bối cảnh chi phí chuẩn bị dự án, chi phí nguyên vật liệu, nhân công, lạm phát tăng. Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội làm sao chấp nhận được hạn mức lợi nhuận 10%, trừ khi doanh nghiệp làm từ thiện. Vì vậy, nên xem xét về giới hạn lợi nhuận và các nội dung này cần được luật hóa", ông Lực đề nghị.
Dẫn ý kiến từ một số doanh nghiệp, TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị tăng giới hạn mức lợi nhuận hơn 10% như hiện nay, lãi suất vay dưới 6,5% /năm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng cho biết, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án có lợi nhuận 10% trên tổng chi phí đầu tư dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cho rằng với mức lợi nhuận này không khuyến khích được doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong dự thảo mới tới đây, Bộ Xây dựng dự kiến 10% này chỉ tính trên phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Đối với quỹ đất thương mại trong dự án, chủ đầu tư được tự kinh doanh và hưởng toàn bộ lợi nhuận này. Về tổng thể, lợi nhuận của chủ đầu tư dự án sẽ cao hơn 10%. Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng hi vọng, điều này sẽ thu hút các chủ đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.