Mỹ đã cung cấp cho lực lượng Ukraine xe chiến đấu Bradley như một phần của gói viện trợ kể từ đầu năm và chúng đã được sử dụng nhiều trong cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào đầu tháng 6.
Hai binh sĩ Ukraine từ lữ đoàn 47, Serhiy và Andriy nói với ABC News rằng, họ và đồng nghiệp của họ sẽ không còn sống đến ngày hôm nay nếu Bradley không bảo vệ họ khỏi trận chiến ác liệt trong giai đoạn đầu của cuộc phản công. Trong trận chiến, họ đã bị trúng mìn, bị tấn công bởi súng máy và máy bay không người lái tấn công.
"Chúng tôi đã bị trúng đạn nhiều lần", Andriy, người lái một chiếc Bradley cho biết.
"Nhờ nó mà giờ tôi đang đứng ở đây. Nếu chúng tôi sử dụng một xe thiết giáp chở quân nào đó của Liên Xô thì có lẽ tất cả chúng tôi sẽ chết sau cú đánh tấn công. Đây là một phương tiện hoàn hảo", Andriy nói thêm.
Những chiếc Bradleys được trang bị một khẩu pháo tự động 25mm, một súng máy 7,62 mm và một hệ thống tên lửa TOW có thể tấn công các mục tiêu bọc thép cách xa hơn 3,5km.
Lữ đoàn của Andriy và Serhiy đã góp phần vào một trong những cuộc tấn công lớn đầu tiên trong chiến dịch phản công, sử dụng một lượng lớn thiết giáp do phương Tây cung cấp. Cuộc tấn công được tung ra nhằm vào các phòng tuyến kiên cố của Nga ở vùng Zaporizhzhia, miền nam Ukraine vào đầu tháng 6.
Khi họ tiến về phía các vị trí của Nga, được bảo vệ bởi các bãi mìn dày đặc, quân đội Ukraine gần như ngay lập tức bị tấn công dữ dội. Chiếc xe phía sau Andriy bị một máy bay không người lái tấn công, giết chết chỉ huy đơn vị của anh.
Sau đó, chiếc Bradley của Andriy bị trúng đạn cối 120mm. Hai quả đạn pháo 150mm sau đó găm vào cả hai bên chiếc xe, người lính Ukraine kể lại với ABC.
"Hầu như tất cả các đồng đội của tôi đều bị chấn động và họ thực sự mất phương hướng. Nhưng cả nhóm tìm cách trốn thoát trở lại chỗ ẩn nấp một cách an toàn", anh nói.
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố rộng rãi một đoạn video về một khu vực gần đó cho thấy bốn xe tăng Bradley và một xe tăng Leopard 2A6 của Đức bị hư hại và bị bỏ lại sau một cuộc tấn công đột phá thất bại khác của Lữ đoàn 47.
Serhiy, người đã lái chiếc Bradley trong một cuộc tấn công khác gần đó cho biết, các lực lượng Nga đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Mặc dù chiếc xe của Serhiy cũng bị trúng đạn rất nặng, nhưng anh và nhóm của mình vẫn thoát chết trong cuộc tấn công.
"Đó là một chiếc xe rất tốt nếu bạn ở bên trong. Tôi đã kiểm tra bản thân và đội của mình. Chỉ có một người bị chấn động", Serhiy nói.
Ukraine cho đến nay đã mất ít nhất 24 chiếc Bradleys, theo trang web nguồn mở Oryx, trang web theo dõi tổn thất thiết bị của Ukraine và Nga bằng cách xác nhận trực quan chúng trong các hình ảnh công khai.
Serhiy cho biết, bất chấp những khó khăn trong việc tiến công, anh tin rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ thành công.
"Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần chúng tôi sẽ thành công. Chúng ta sẽ tìm ra điểm yếu của họ", Serhiy nói.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Mỹ sắp thông qua việc chuyển giao các tên lửa tầm xa cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở xa tiền tuyến và thậm chí có thể ở Nga.
Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn khoảng 305 km, đủ để Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga ở xa tiền tuyến.
Tổng thống Biden vẫn chưa ký vào việc chuyển giao, một phần do các quan chức Mỹ lo ngại rằng Ukraine có thể sử dụng nó để tấn công lãnh thổ Nga, leo thang xung đột thành một cuộc chiến rộng lớn hơn với phương Tây.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng có thể đã bắt đầu xem xét lại ý tưởng này.
Khi tình trạng bất ổn nội bộ ở Nga xảy ra vào thứ Bảy tuần trước, Nhà Trắng nhận thấy cần phải tăng cường các hệ thống vũ khí của Ukraine. Nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, do ông chủ Yevgeny Prigozhin dẫn đầu, đã cố gắng tiếp cận thủ đô Moscow vào tuần trước, bề ngoài là do tranh chấp với Bộ Quốc phòng Nga.
Các quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine đã nhận được những dấu hiệu tích cực trong những tuần gần đây rằng Mỹ hiểu sự cần thiết của hệ thống ATACMS đối với Kiev, theo The Wall Street Journal.
Các hệ thống tên lửa tầm xa là cần thiết nếu Ukraine muốn tái chiếm Crimea, chúng sẽ cho phép Ukraine có khả năng tấn công Crimea mà không cần giành thêm lãnh thổ mới.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hiện công khai phủ nhận việc Mỹ sắp chuyển giao các hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine, nói rằng họ "không biết về bất kỳ quyết định sắp xảy ra nào liên quan đến ATACM", theo báo cáo của Reuters.