Tại thủ phủ sắn Tây Ninh, diện tích sắn của tỉnh liên tục tăng những năm qua. Đến cuối năn 2022, toàn tỉnh có gần 62.000ha sắn, năng suất trung bình trên 32 tấn/ha.
Hiện, toàn tỉnh có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất mỗi năm đạt hơn 4 triệu tấn củ. Trong đó, Tây Ninh có 10 doanh nghiệp chế biến tinh bột sau sắn như bột biến tính, mạch nha, đường Fructo...
Đã có đơn vị ở Tây Ninh đầu tư vùng trồng sắn hữu cơ; đảm bảo xuất xứ vùng trồng khi xuất khẩu sản phẩm sắn sang các thị trường như Mỹ, EU. Một số mô hình liên kết doanh nghiệp với các HTX tại Tây Ninh cũng đang phát huy hiệu quả đầu tư thâm canh, tăng năng suất sắn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, ngành sắn Tây Ninh vẫn còn hạn chế khi chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân, chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài.
Theo ông Xuân, hiện nay, nguồn cung nguyên liệu sắn chưa đáp ứng tốt nhu cầu chế biến. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp chế biến chưa phát triển vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp chủ yếu áp dụng hình thức "sản xuất đến đâu thu mua đến đóˮ.
Việc có nhiều cơ sở sản xuất cùng kinh doanh một mặt hàng trên cùng một thị trường dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh về giá thu mua nguyên liệu, nhất khi nguồn nguyên liệu giảm.
Ông Xuân cho rằng, để cây sắn của Tây Ninh phát triển ổn định và thật sự bền vững cần tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng vùng sản xuất lớn. Đây là cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp nhằm giảm các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, diện tích trồng sắn cả nước hiện có khoảng 530.000 ha/năm, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Hiện tại, trong nước có một số ít các nhà máy đã và đang thực hiện việc đầu tư vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu 30-40% công suất của nhà máy.
Công ty CP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi chủ động kết hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam chi hàng tỷ đồng mỗi năm nhằm phát triển giống sắn tại các vùng quanh nhà máy.
Công ty Phúc Thịnh Thanh Hóa đầu tư hàng trăm triệu đồng đầu tư giống sắn sạch bệnh cho dân trồng. Công ty cũng bao tiêu giá thu mua sắn với người dân, có chính sách cung cấp gạo cho người dân trồng sắn vào mùa giáp hạt.
Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị xây dựng hệ thống đăng ký, quản lý diện tích vùng trồng sắn cho hộ dân qua hệ thống điện tử. Việc này vừa đảm bảo kế hoạch thu hoạch sắn của người dân, vừa duy trì ổn định sản lượng sản xuất của nhà máy sắn.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành sắn Việt Nam phát triển nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD (năm 2018) lên gần 1,5 tỷ USD (năm 2022).
Tại Đại hội nhiệm kỳ III (giai đoạn 2023 – 2028) mới đây, Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2028 kim ngạch xuất khẩu ngành sắn Việt Nam đạt 2 tỷ USD/năm, tầm nhìn năm 2050 đạt 2,5 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, ngành sắn vẫn còn đối diện nhiều thách thức. Bởi vì, cây sắn Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ trước mắt và những tác động lâu dài.
Theo ông Nghiêm Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, ngành sắn đang phát triển mất cân đối giữa quy mô chế biến và khả năng đảm bảo nguyên liệu. Có những nơi, nguyên liệu chỉ đảm bảo cho nhà máy sản xuất được 30% công suất.
Hiện vẫn còn tình trạng các nhà máy chưa chủ động đầu tư vùng nguyên liệu theo hướng thâm canh, chưa giải quyết một cách sòng phẳng và có trách nhiệm giữa lợi ích của người trồng sắn và lợi ích của nhà máy.
Trong nhiệm kỳ III (2023-2028), Hiệp hội Sắn Việt Nam định hướng mỗi nhà máy sản xuất phải đầu tư đảm bảo từ 50-60% nguyên liệu cho sản xuất. Các nhà máy phải phối hợp để ổn định công tác quy hoạch, hạn chế tình trạng cạnh tranh thu mua, gây thiệt hại chung.
"Hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành Đề án tái cơ cấu ngành sắn để cây sắn có chính sách ưu đãi như các cây trồng khác; phối hợp các địa phương thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành sắn", ông Tiến cho biết.