Doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn còn yếu công nghệ và chậm mở rộng thị trường

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 01/07/2023 19:31 PM (GMT+7)
Dù Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, Hiệp hội Sắn Việt Nam khuyến cáo không tuyệt đối hóa thị trường này. Các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Bình luận 0

Sản phẩm chế biến sâu sau tinh bột sắn còn ít

Tỉnh Tây Ninh có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn (khoai mì), với tổng công suất thiết kế khoảng 5.772 tấn sản phẩm/ngày. Hầu hết các nhà máy chế biến có quy mô công nghiệp (hơn 100 tấn bột/ngày) đều được đầu tư máy móc thiết bị khá hiện đại.  

Tuy nhiên, Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, tỉnh vẫn có 20% các cơ sở chế biến đang hoạt động với trình độ công nghệ chưa tiên tiến, sản xuất lạc hậu, do còn hạn chế về mặt tài chính.

Đồng thời, ngành chế biến tinh bột sắn là đối tượng gây ô nhiễm môi trường cao nên phải đầu tư chi phí khá lớn cho khâu xử lý chất thải. Đây cũng là yếu tố chủ yếu làm tăng tiêu hao năng lượng; làm tăng chi phí giá thành sản phẩm, từ đó làm giảm lợi nhuận cho cơ sở chế biến.

Nhà máy chế biến bột biến tính của Công ty CP Khoai mì Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Nhà máy chế biến bột biến tính của Công ty CP Khoai mì Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Tây Ninh hiện có 10 doanh nghiệp chế biến sâu với các sản phẩm sau tinh bột sắn như bột biến tính, đường dùng trong chế biến thực phẩm; bột biến tính vật lý; dầu bôi trơn... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa đa dạng sản phẩm sau chế biến.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cho biết, khâu chế biến sản phẩm sắn hiện còn đơn giản, chưa có nhiều đơn vị có sản phẩm chế biến sau tinh bột như bột biến tính, sorbitol, mạch nha, ethanol để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Năm 2022, cả nước có khoảng 200.000 tấn tinh bột sắn được đưa vào sản xuất biến tính ra các sản phẩm như bột biến tính, sorbitol, mỳ chính, đường Glucose... Con số này chỉ chiếm 6,7% sản lượng tinh bột sắn được sản xuất tại các nhà máy của Việt Nam.

Đa dạng thị trường xuất khẩu tinh bột sắn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, tính cả 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Thị trường này chiếm 89,9% về lượng (1,22 triệu tấn) và chiếm 88,47% về trị giá xuất khẩu (467,62 triệu USD).

Tập trung nguyên liệu về nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Tập trung nguyên liệu về nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT Tây Ninh, không chỉ ít sản phẩm sau chế biến, ngành sắn của tỉnh cũng chưa đa dạng thị trường xuất khẩu tinh bột sắn. 

Hiện thị trường xuất khẩu chính của các nhà máy chế biến sắn trên địa bàn tỉnh phần lớn là xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 70%; Mỹ và châu Âu 8%; ở các nước châu Á khác 10%, còn lại tiêu thụ trong nước.

Ông Nghiêm Như Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, từ năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc và Malaysia tăng mạnh. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng hàng năm sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc không ổn định.

Thị trường xuất khẩu vẫn còn tập trung vào Trung Quốc, chiếm đến 85% kim ngạch xuất khẩu. Việc phát triển các thị trường mới vẫn còn chậm.

Nhiệm kỳ III (giai đoạn 2023 - 2028) của Hiệp hội Sắn Việt Nam định hướng thị trường Trung Quốc là thị trường trước mắt và lâu dài, không thay thế nhưng không tuyệt đối hóa thị trường này.

"Hiệp hội xem các nước Đông Bắc Á và EU là thị trường triển vọng và tiềm năng, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa", ông Tiến chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem